Xây dựng danh tiếng cho nông sản địa phương
- Thứ hai - 10/12/2012 19:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đặc sản chuối ngự Đại hoàng, huyện Lý Nhân, Hà Nam |
Các đặc sản thường gắn liền với một vùng địa lý nhất định, nó thể hiện tính riêng biệt của con người, điều kiện tự nhiên hoặc kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố ở vùng địa lý đó tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Tuy vậy, tính độc đáo của các đặc sản đó cũng có thể bị lợi dụng uy tín mà phát triển một cách tuỳ tiện ở cả những vùng không có những điều kiện thuận lợi như vậy, từ đó làm giảm chất lượng và mất lòng tin với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Việc đầu tiên của tạo dựng thương hiệu cho các đặc sản chính là đi đăng ký để được Nhà nước bảo hộ thương hiệu cho đặc sản đó. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta đăng ký thương hiệu cho các đặc sản bằng cách nào. Câu trả lời là, hoặc là chúng ta đăng ký dưới hình thức là chỉ dẫn địa lý hoặc là nhãn hiệu tập thể cho các đặc sản đó. Vì theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các dấu hiệu chỉ địa danh (tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh) như Phú Quốc, Lạng Sơn, Hà Nội hay biểu tượng Tháp Rùa, Hòn Chống Mái, Gà Chọi, Chợ Bến Thành… sẽ không thể đăng ký làm nhãn hiệu độc quyền riêng của cá nhân hay doanh nghiệp mà chỉ có thể đăng ký dưới danh nghĩa là thương hiệu thuộc sở hữu của nhà nước hay của tập thể mà thôi.
Cho đến nay Việt Nam đã thực hiện việc bảo hộ 15 chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản, như nước mắm Phú Quốc, chè san tuyết Mộc Châu, hoa hồi Lạng Sơn, bưởi Đoan Hùng, gạo tám xoan Hải Hậu, chè Tân Cương, cam Vinh, vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn, quả thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết, gạo đỏ một bụi Hồng Dân, xoài cát Hòa Lộc, chuối ngự Đại Hoàng và rượu “COGNAC” (của Pháp). Bên cạnh nhiều nhãn hiệu tập thể như bưởi Phúc Trạch, bưởi năm roi Bình Minh, Chợ Đào (cho gạo)… Nếu đăng ký các dấu hiệu chỉ địa danh dưới đanh nghĩa là chỉ dẫn đia lý, thì cần lưu ý rằng quyền đăng ký duy nhất thuộc về Nhà nước và Nhà nước có thể ủy quyền cho: Tổ chức hoặc cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Tổ chức, tập thể đại diện cho các cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý đó. Vì vậy, với đối tượng này thì thường UBND các địa phương đứng ra chủ trì đăng ký và chung tay xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản đó.
Xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP ở Tiền Giang. Ảnh: Công Hân |
Một cách đơn giản và dễ làm, đó là chúng ta thực hiện đăng ký “nhãn hiệu tập thể” cho các đặc sản để dân cả vùng đó được dùng, với điều kiện phải do một tổ chức thay mặt người dân đứng ra đăng ký (như hiệp hội, hội nông dân, hội làm vườn, hợp tác xã…) cùng với “quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể” do tập thể đó quy định để sau này khi sử dụng nhãn hiệu, các thành viên phải có nghĩa vụ chăm chút cho sản phẩm bảo đảm ngày càng tốt hơn về chất lượng.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể cũng sẽ không tránh khỏi những hạn chế nếu từng thành viên không đề cao trách nhiệm, và chỉ cần một người tạo ra sản phẩm kém chất lượng thì danh tiếng của đặc sản đó sẽ bị ảnh hưởng theo.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy định về kiểm soát và chứng nhận chất lượng đặc sản mang nhãn hiệu tập thể đó ở các khía cạnh: thủ tục nhằm kiểm soát chất lượng, như kê khai về sản xuất, kiểm soát các điều kiện bảo đảm chất lượng, lập và lưu trữ hồ sơ về tình hình sản xuất, quyền hạn và trách nhiệm của người sản xuất, của đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể… Sau một thời gian, các đặc sản đã có chỗ đứng rồi thì có thể chuyển từ hình thức nhãn hiệu tập thể sang chỉ dẫn địa lý giống như sự chuyển đổi của vải thiều Thanh Hà, vải thiều Lục Ngạn và xoài cát Hòa Lộc. Khi ấy, các đặc sản của chúng ta ở mọi vùng miền của quê hương đất nước sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn trên cơ sở danh tiếng được tạo dựng bền vững để tự hào với bạn bè quốc tế.
Lê Tất Chiến (Cục Sở hữu trí tuệ)
Theo vietq.vn