Xây dựng nông thôn mới: Cần xóa ngay bệnh “thành tích”

Xây dựng nông thôn mới: Cần xóa ngay bệnh “thành tích”
Xây dựng nông thôn mới theo kiểu phong trào là hoàn toàn sai lầm nên các địa phương và người dân cần có sự thay đổi nhận thức.

Thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện chương trình này ở một số vùng như Bắc Bộ, ĐBSCL và sắp tới đây là các khu vực còn lại. Bên cạnh những kết quả thành công bước đầu, thì quá trình này đã nảy sinh một số bất cập, trong đó căn bệnh “thành tích” lại tái phát ở nhiều địa phương. Nếu thực hiện vì thành tích, vì phong trào thì chương trình xây dựng nông thôn mới không thể đạt được mục tiêu đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nông dân như đã đề ra.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được Đảng và Chính phủ coi như một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 3 năm, quãng thời gian không phải là dài cho một cuộc cách mạng nhưng đã cho thấy được những thành quả bước đầu, đồng thời cũng đủ để bộc lộ không ít khiếm khuyết, hạn chế.

Xây dựng nông thôn mới nếu chạy theo thành tích sẽ không thể đem lại cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nông dân (Ảnh minh họa)

 

Đến nay, trên cả nước đã có gần 150 xã đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã nông thôn mới; hàng nghìn xã đã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới… Nhưng đây chỉ là kết quả về số lượng, còn thực chất ở những xã chuẩn nông thôn mới này, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có thực sự “mới” hay không thì cũng cần phải xem lại.

Cũng do nóng ruột để đạt thành tích về đích sớm trên chặng đường xây dựng nông thôn mới mà không ít địa phương đã có những bước đi chệch hướng.

Mặc dù được xác định đây là một chương trình lâu dài, nhưng việc triển khai theo phong trào còn không ít.

Nếu quan niệm xây dựng nông thôn mới theo kiểu phong trào thì hoàn toàn sai lầm. Bởi phong trào thì thường diễn ra trong một thời gian ngắn, ra quân rồi kết thúc là xong. Chủ nghĩa phong trào bao giờ cũng đẩy đến bệnh thành tích, và thường mang tính tạm bợ, dối dá. Chương trình nông thôn mới gắn với việc nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, xây dựng một nông thôn văn minh, hiện đại thì không thể làm xong trong ngày một ngày hai được!

Ấy vậy mà, cũng vì nóng vội, không ít địa phương đã dồn sức quá lớn để tạo ra sự đổi mới diện mạo nông thôn về mặt kết cấu hạ tầng. Có thể thấy, đây là những tiêu chí dễ làm, thành tích được ghi nhận cụ thể hơn, uy tín tiếng tăm của cán bộ lãnh đạo cũng thể hiện rõ hơn. Vì thế, có địa phương đi vay làm; có địa phương kêu gọi doanh nghiệp làm và hứa trả sau; có địa phương tính toán đổi đất lấy công trình. Nhưng thị trường bất động sản khủng hoảng, đất không bán được; nguồn lực trông chờ từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh trong điều kiện kinh tế suy thoái cũng  thể chưa cân đối để hỗ trợ, nên không ít địa phương đã trở thành “con nợ” khi xây dựng nông thôn mới. Có xã đã nợ tới gần 200 tỷ đồng tiền xây dựng các công trình. 

Ngay như xã điểm nông thôn mới Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng đang nợ tới vài chục tỷ đồng mà khó có khả năng chi trả… Và cũng vì sự “vung tay quá trán”, ồ ạt xây dựng những công trình như trụ sở, nhà văn hóa, đường giao thông, nhiều cán bộ xã đã huy động quá mức tiền đóng góp của người dân, dồn thêm gánh nặng cho bà con khi xây dựng nông thôn mới.

Cách làm này đã đi ngược lại với phương châm xây dựng nông thôn mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia; làm triệt tiêu tính tự chủ, sáng tạo của người dân trong quá trình này.   

Cũng vì căn bệnh “thành tích”, để lấy điểm cho mình, cho địa phương mà không ít lãnh đạo xã đã áp đặt, thực hiện cứng nhắc các tiêu chí, công thức hóa nông thôn theo những chuẩn định sẵn như chuẩn trường học, chuẩn nhà văn hóa, thậm chí chuẩn đến tận cổng nhà hàng nghìn hộ dân như ở xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Có những xã cứng nhắc đến mức, mặc dù đời sống của người dân còn khó khăn nhưng vẫn xây cho được khu thể thao, bể bơi hoành tráng để đạt tiêu chí về văn hóa; xây chợ hàng tỷ đồng nhưng không ai vào họp...

Căn bệnh “thành tích” sẽ để lại những di chứng nặng nề và khó chữa. Còn bệnh thành tích thì còn lãng phí! Còn bệnh thành tích thì còn gian dối! Vì thế, để chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự tạo được sự chuyển biến tốt hơn cho đời sống nông dân và xã hội nông thôn thì cần kiên quyết xóa bỏ căn bệnh “thành tích”, lãng phí này./.

Hương Lan
Nguồn vov.vn