Xây dựng nông thôn mới: Đừng vắt kiệt sức dân

Xây dựng nông thôn mới: Đừng vắt kiệt sức dân
Đã có 1.672,5 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới (NTM) trong đó vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chỉ chiếm 19,7%. Điều đó có nghĩa là 80,3% số tiền cho NTM được huy động được từ sức dân. Đừng vắt kiệt sức dân mà cố gắng nuôi dưỡng sức dân trong xây dựng NTM, Cố vấn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
 
Ông Hồ Xuân Hùng
 
PV: Thưa ông huy động sức dân để lo cho dân là một trong những điều đáng mừng trong xây dựng NTM, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng tại một số địa phương đang diễn ra tình trạng huy động quá sức dân để thực hiện chương trình này, ý kiến của ông về vấn đề này?
 
Ông Hồ Xuân Hùng: Thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Đây là sự nghiệp to lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, có sự vào cuộc tích cực của nông dân.
 
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM là không khuyến khích việc thu tiền mặt của dân để xây dựng NTM và cần phải rà soát lại ngay các khoản thu mang danh nghĩa của chương trình này để thu của dân. Chúng ta thực hiện chương trình này trên tinh thần là phải xác định rõ cái gì dân làm được thì để dân làm, cái gì dân không làm được nhất định phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Thực tế là đã có tình trạng là tại một số địa phương, do bức bách cần phải đạt nhanh, đạt ngay các tiêu chí xây dựng NTM, nên huy động hơi quá sức dân và chúng tôi đã có đề nghị điều chỉnh ngay vấn đề này và khuynh hướng trên hiện đã được khắc phục.
 
Chúng ta muốn xây dựng hạ tầng nông thôn hiện đại, trong khi nguồn vốn đầu tư của Chính phủ rất hạn chế, nên sự huy động sức dân quá đà này, dù đã dần được khắc phục, nhưng rồi sẽ lại vẫn xảy ra nếu không có giải pháp hữu hiệu thưa ông?
 
- Đây đúng là một thách thức rất lớn. Xây dựng hạ tầng nông thôn chúng ta đang làm theo cách  xã hội hóa, trong đó có phần vốn của Nhà nước, của doanh nghiệp và có phần đóng góp của cư dân nông thôn. Nhưng về lâu dài phải là chính sách thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp về với nông thôn. 
 
Sự đóng góp của người dân có nhiều hình thức, có thể đóng góp bằng ngày công, giải phóng mặt bằng, hiến đất, hiến vườn, cây cối… Đó là những hình thức phổ biến và thường là người dân đều thấy thoải mái, không có bức xúc gì. Ngoài hình thức đó, ở một số nơi cũng vận động cư dân đóng góp bằng tiền. Tất cả các hình thức vận động sự đóng góp của dân đều phải qua sự thảo luận kỹ càng và phải có được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều việc mà dân phải chấp nhận một cách không mấy tự nguyện.
 
Tôi cho rằng, tất cả các hiện tượng trên cần phải được rà soát lại một cách nghiêm túc, Chính phủ nên giao cho một cơ quan cụ thể rà lại các khoản phải đóng góp, phải nộp của dân, đặc biệt là cần có những văn bản quy phạm pháp luật đưa ra những quy định về mức trần có thể đóng góp của người dân, để tránh việc nhiều địa phương cứ lợi dụng vào sự tự nguyện mà bắt dân đóng góp. Tránh để xảy ra tình trạng khoản nào cũng bảo là khoản đóng góp, phí đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, thành ra chương trình xây dựng nông thôn mới mang "tội” oan và giảm đi nhiều ý nghĩa.
 
Chúng ta thường chỉ hay nói đến nhờ cậy ở sức dân, mà chưa quan tâm nhiều đến làm thế nào để "nuôi dưỡng” được sức dân. Vậy như với chương trình này, theo ông, là phải làm thế nào?
 
- Tôi cho rằng trước hết, trong quá trình tổ chức cuộc vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới phải nhận thức được vị thế chủ thể của người nông dân (bao gồm cả vị thế chính trị, kinh tế). Đây là nhóm dân số đông nhất hiện nay ở nước ta, nhưng hiện tại đời sống kinh tế - văn hóa đang còn nhiều khó khăn và nhìn chung là nhận thức thấp. Theo đó, nông thôn là khu vực rộng lớn nhất, đa dạng cư dân, đa dạng văn hóa truyền thống (kể cả tập tục lạc hậu) hạ tầng lạc hậu…, môi trường sinh thái đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Vì vậy, cần có cách tổ chức vận động phù hợp. 
 
Nhà nước cần tạo cơ hội để nông dân, nông thôn tham gia đầu tư không chỉ cho sản xuất của chính mình, mà cả phúc lợi công cộng do chính mình được hưởng. Hình thành "giá đỡ” để nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp đứng chân ở nông thôn quá ít, chính sách giảm phần rủi ro cho người nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản quá thiếu, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hiệu quả cũng thấp và thiếu ổn định, thường đẩy rủi ro về người sản xuất. 
 
Vấn đề nữa là cần kiên trì, lâu dài hỗ trợ nông dân về khoa học – kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!
 
Lục Bình (thực hiện)
Nguồn daidoanket.vn