Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo
- Chủ nhật - 30/03/2014 00:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đạ Nhim là một xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện Lạc Dương hơn 45 km. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên gần 24 ngàn ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ 85%. Toàn xã có 767 hộ dân với gần 4 ngàn nhân khẩu, đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm tỷ lệ gần 89% dân số.
Năm 2009, xã Đạ Nhim được UBND tỉnh chọn là 1 trong 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015. Bước vào triển khai xây dựng NTM trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, tỷ lê hộ nghèo còn trên 36%. Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Đạ Nhim đã quyết tâm bắt tay vào xây dựng NTM gắn với thực hiện giảm nghèo bền vững. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, Đạ Nhim đã đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng bào các dân tộc địa phương lâu nay vẫn làm nương, làm rẫy với phương pháp canh tác cũ nên thu nhập thấp, nên công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân được lãnh đạo địa phương đặt lên hàng đầu.
Từ đó, trên những vườn cà phê của người dân đã được đầu tư đẩy mạnh việc thâm canh và cải tạo diện tích già cỗi. Nhờ đó, sản lượng cà phê của xã không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2010, sản lượng cà phê của xã mới chỉ đạt 800 tấn thì đến năm 2013 đã lên tới gần 6 ngàn tấn. Ngoài cây cà phê thì người dân nơi đây cũng đã mạnh dạn tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư các mô hình trồng rau, hoa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Đạ Nhim đã có hơn 40ha diện tích trồng rau, hoa của người dân, trong đó có hơn 50% diện tích được trồng trong nhà lưới, nhà kính. Ông Lơ Mu Ha Hoàng - Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim cho biết: “Người dân chúng tôi lâu nay vẫn quen với lối canh tác cũ, lạc hậu, hiệu quả thấp, nên tuyên truyền hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác là việc làm được chúng tôi thường xuyên quan tâm. Hiện nay, một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của người dân trong xã đã đem lại hiệu quả cao nên chúng tôi đang xem xét, nhân rộng cho bà con để họ áp dụng nâng cao thu nhập đời sống”. Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, Đạ Nhim cũng có thế mạnh về lâm nghiệp với diện tích đất rừng gần 21 ngàn ha. Nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hàng năm người dân địa phương có thêm một khoản thu nhập đáng kể để góp phần xóa đói giảm nghèo (hiện nay, tổng diện tích rừng trên địa bàn được giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ là hơn 17 ngàn ha. Có hơn 540 hộ dân trong xã được nhận khoán bảo vệ rừng với bình quân thu nhập mỗi năm gần 10 triệu đồng).
Song song với phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân thì thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Đạ Nhim cũng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm để phục vụ đời sống dân sinh. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc tại địa phương được bảo tồn và phát huy, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã được người dân trong xã tích cực hưởng ứng. Có gần 87% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 5/5 thôn của xã đạt thôn văn hóa.
Như vậy, qua thời gian triển khai Chương trình xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, xã Đạ Nhim đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận: Từ năm 2010 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 24,5%; năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2013 con số này là 24,56 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hiện nay còn dưới 6,50% và từ năm 2010 đến nay có gần 150 hộ dân trong xã đã thoát được nghèo. Xã Đạ Nhim hiện nay đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng NTM và phấn đấu trong năm 2014 này thêm 4 tiêu chí nữa để đến năm 2015 trở thành xã NTM.
Duy Nguyễn
Nguồn baolamdong.vn
Nguồn baolamdong.vn