Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch nông thôn mới
- Thứ ba - 04/03/2014 02:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ Xây dựng vào cuộc tích cực
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh - Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - kết quả nói trên đã phần nào cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương, cũng như tham gia tích cực, trách nhiệm, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng.
Trong thời gian qua, để giúp các địa phương hoàn thành việc lập QHXD NTM, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã thống nhất ban hành thông tư liên tịch quy định lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch NTM nhằm hợp nhất 3 nội dung (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất), đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả, tiết kiệm thời gian cho địa phương.
Bộ Xây dựng đã có chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý QHXD NTM cho gần 2.000 học viên, đáp ứng được cơ bản yêu cầu quản lý và triển khai quản lý thực hiện sau quy hoạch. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch phục vụ công cuộc xây dựng NTM lâu dài.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, đất nước ta trải dài khoảng 2.300km, với 54 dân tộc anh em sinh sống, với nhiều vùng địa hình khác nhau, phong tục tập quán trong sinh hoạt và sản xuất khác nhau, trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau... Vì vậy trong xây dựng NTM, ngoài những yêu cầu chung, mỗi địa phương đều có nét đặc thù riêng, phản ánh cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên nền tảng điều kiện tự nhiên của mỗi vùng, miền. Các nét đặc thù riêng của từng vùng được thể hiện qua việc hoạch định tổ chức không gian trong các đồ án QHXD xã NTM và định hướng kiến trúc xây dựng công trình cho các vùng miền.
Để định hướng cho công tác QHXD NTM trên phạm vi toàn quốc và phù hợp với từng vùng miền, Bộ Xây dựng đã triển khai Đề án nghiên cứu mô hình QHXD NTM. Trong đề án, Bộ Xây dựng chia ra 6 vùng miền trong cả nước, gồm vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đặc trưng và sự khác biệt của các vùng miền, Bộ Xây dựng chọn ra và triển khai 26 đồ án thí điểm để đưa ra giải pháp nghiên cứu nét đặc trưng về mô hình sản xuất, mô hình khu dân cư, tổ chức sản xuất và hướng dẫn trong giải pháp quy hoạch, đảm bảo nét truyền thống của nông thôn...
Sau khi nghiên cứu xong những đồ án mẫu, Bộ Xây dựng đã ban hành trong toàn quốc sổ tay hướng dẫn QHXD NTM, trong đó có các giải pháp định hướng về quy hoạch, kiến trúc cho 6 vùng miền kèm theo 26 quy hoạch mẫu. Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu và đã ban hành tiêu chuẩn cho công tác lập QHXD NTM theo các vùng miền.
Hiện nay Bộ đang thực hiện nghiên cứu thiết kế điển hình về nhà ở, chợ, đường giao thông nông thôn… Các thiết kế này được ban hành cũng sẽ là giải pháp hỗ trợ cho công tác xây dựng NTM phù hợp với bản sắc từng vùng miền.
Kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm của công tác QHXD NTM trong năm 2014, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Trong quá trình kiểm tra, rà soát, hướng dẫn, Bộ Xây dựng nhận thấy chất lượng QHXD NTM chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Lý do, trong thời gian vừa qua, các địa phương mới chỉ tập trung đến quy hoạch xã mà hầu như chưa có quy hoạch vùng huyện. Vì vậy giữa các xã với nhau chưa phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Trong thời gian tới, một trong những giải pháp mà Bộ Xây dựng chú trọng là rà soát và hướng dẫn chỉ đạo các địa phương tổ chức quy hoạch vùng huyện kết nối vùng miền, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn.
Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn QHXD NTM cho phù hợp với thực tế, để đảm bảo phát triển bền vững và phát triển đồng bộ.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác trong công tác QHXD NTM là xây dựng, ban hành quy chế quản lý sau quy hoạch của xã NTM. Lâu nay, quy chế quản lý quy hoach đô thị đã được triển khai rất khẩn trương, nhưng khu vực nông thôn thì hầu như chưa có quy định và quy chế quản lý sau quy hoạch. Trong khi đó, đây thực sự là công việc rất quan trọng vì lập quy hoạch đã khó nhưng triển khai thực hiện quy hoạch còn khó hơn.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục đào tạo cán bộ, nâng cao bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý cấp xã. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, rút kinh nghiệm một số nội dung để trong năm tới nhân rộng mô hình, đảm bảo phát triển nông thôn bền vững và hiệu quả…