Xuất khẩu lao động ở vùng bãi ngang

Xuất khẩu lao động ở vùng bãi ngang
Những cánh đồng mênh mông khô hạn bị bỏ trống vì thiếu nước, những chuyến đi biển ngày càng thưa thớt vì ngư trường ngày càng khan hiếm… đó là những ấn tượng đầu tiên khi đến với vùng bãi ngang gồm 27 xã nghèo nằm dọc theo bờ biển trải dài qua các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Tuy nhiên những năm gần đây, những chuyến xuất khẩu lao động đã đem lại những thay đổi không nhỏ trong đời sống của người dân nơi đây.

Thạch Kim (Lộc Hà) vốn là một xã có thế mạnh trong khai thác thủy sản nhưng đời sống những ngư dân vẫn quanh năm bấp bênh sau những chuyến ra khơi, nhất là khi nguồn lợi hải sản từ biển ngày càng cạn kiệt. Mấy năm trở lại nay khi ngư dân không còn mặn mà với biển, thì xuất khẩu là một hướng đi mới. Ông Từ Đức Bé – Phó chủ tịch xã Thạch Kim cho biết: “Lênh đênh trên biển bao năm mà cuộc sống vẫn cơ cực, dưới sự giới thiệu, tư vấn của trung tâm giới thiệu việc làm cũng như sự hỗ trợ từ phía chính quyền, ngư dân đã mạnh dạn tham gia các đợt xuất khẩu lao động. Hiện nay lực lượng lao động xuất khẩu ở xã có đến 653 người trên tổng số hơn 2000 hộ dân, đó là chưa kể đến một bộ phận không nhỏ những người xuất khẩu lao động qua các hình thức du lịch, thăm viếng người thân. Với mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 10 – 15 triệu đồng/ người/ tháng, hàng năm XKLĐ đóng góp từ 50 – 60 % vào tổng thu nhập toàn xã”.

Xuất khẩu lao động ở vùng bãi ngang

Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp đối với vùng bãi ngang

Xu thế mở cửa và giao lưu hội nhập cũng như những trình độ tay nghề được nâng cao đã mở cơ hội đối với người lao động từ việc xuất khẩu lao động. Thị trường xuất khẩu lao động ở Hà Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng và ngày càng được mở rộng. Bên cạnh những đất nước được bà con tham gia xuất khẩu sớm nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… còn có những đất nước mới nổi lên như Anggola, Úc, Ả rập, Đubai… Hầu hết những người tham gia lao động ở các nước đều ở độ tuổi lao động, đã tốt nghiệp THPT đặc biệt là thu hút rất đông lực lượng thanh niên tham gia. Mức thu nhập ít nhất hiện nay từ 7 – 10 triệu có thể nói là không nhỏ so với đời sống bà con ở quê hương, chưa kể những người có trình độ tay nghề, dày dạn kinh nghiệm mức thu nhập có thể lên tới 30 – 40 triệu/ tháng.

Thạch Bàn (Thạch Hà) là một trong những địa phương nổi tiếng với truyền thống làm muối. Tuy vậy khi mà những hạt muối diêm dân vất vả làm ra ngày càng rẻ mạt, những diêm dân ở đây đã bỏ những đồng muối để đi xa. Chủ tịch xã Thạch Bàn Trương Hoàng Thông chia sẻ: Những năm 2000, xã mới bắt đầu có đợt đi xuất khẩu lao động đầu tiên chỉ có 10 – 15 hộ. Hiện nay toàn xã đã có 150 người đi xuất khẩu lao động ở rất nhiều nước, trong đó thanh niên chiếm 70% với mức thu nhập bình quân 60 – 70 triệu đồng/người/ năm. Một số xóm như xóm Bắc Sơn, Vĩnh Tiến, đời sống diêm dân đã “thay da đổi thịt” nhờ những chuyến đi”. Cũng theo ông Thông cho biết thêm tận dụng kinh nghiệm tay nghề của xã là nghề xây dựng nên khi sang các nước lao động nghề xây dựng là nghề chủ yếu được bà con nơi đây chủ yếu sử dụng. Cũng như ở Thạch Kim nghề đi biển là một trong những nghề chủ yếu được các ngư dân sử dụng ở các nước bạn.

Đi dọc con đường vào xóm Bắc Sơn với những ngôi nhà đồ sộ, khang trang không ai nghĩ rằng nơi đây mấy năm trở về trước còn là một xóm nghèo quanh năm chỉ với nghề muối và nghề thợ nề. Là xóm có số người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất trong toàn xã với hơn 50 người, có những gia đình 3 – 4 người đều tham gia xuất khấu lao động, nhiều hộ đi xuất khẩu lâu năm đã tạo dựng cho gia đình một cơ ngơi đàng hoàng như anh Lê Văn Chiến, anh Nguyễn Văn Cường… Ông Trương Văn Minh chia sẻ: Cách đây 5 – 6 năm, các con đều lần lượt đi xuất khẩu lao động ở Malaixia, cũng nhờ công việc ổn định nên gia đình cũng đỡ vất vả hơn”.

Xuất khẩu lao động ở vùng bãi ngang

Cơ ngơi anh Trương Văn Cường (sinh 1987, xóm Bắc Sơn) được tạo dựng sau chuyến đi Malaisia

Từ những chuyến đi đã mang lại cho bà con nơi những vùng đất nghèo này những đối thay nhất định, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống nông thôn. Biết rằng vẫn còn đó nhiều bất cập tuy nhiên có thể thấy hiệu quả mang lại từ những chuyến xuất khẩu lao động là rất rõ rệt. Ông Phan Hữu Tuất – Trưởng phòng lao động - thương binh - xã hội huyện Thạch Hà bày bày tỏ: “Huyện coi xuất khẩu lao động là một trong ba mũi tiên phong trong việc giải quyết việc làm cho nhân dân, nhất là bà con các xã vùng bãi ngang. Hiện nay 10 xã vùng bãi ngang của huyện có số lượng người đi xuất khẩu lao động là 1.365 trong tổng số 3.975 số người xuất khẩu toàn huyện, chiếm 35%. Có những xã điển hình như Thạch Hải (424 người), Thạch Bàn (150), Thạch Văn (205)… Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ bà con trong quá trình tham gia xuất khẩu lao động để bà con có cơ hội tìm kiếm việc làm thuận lợi nâng cao mức sống của nhân dân”.

Những chuyến đi đã đem lại cho những người dân nghèo ở những xã vùng bãi ngang một cuộc sống đủ đầy, khang trang hơn. Mong mỏi lớn nhất của những người dân nơi đây vẫn là sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền, trách nhiệm của các công ty giới thiệu việc làm, bảo hộ lao động và đào tạo tay nghề. Có như vậy xuất khẩu lao động mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế vững chắc.

Đoàn Loan
Nguồn:baohatinh.vn