Xung quanh loạt bài "Mối lo làng quê": Nông dân còn gì?
- Thứ sáu - 31/05/2013 03:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi người nông dân ở Hải Dương làm đơn trả lại hàng trăm ha ruộng (xem bài “Nằng nặc xin trả ruộng” trong loạt bài “Mối lo làng quê” trên NNVN), ông Bí thư tỉnh này cho rằng đó là chuyện bình thường, rằng khi làm ruộng không mang lại hiệu quả, họ phải bỏ thôi, như một quy luật của thị trường. Song, bỏ ruộng rồi, người nông dân còn gì? Đây không phải câu chuyện thị trường nữa, không phải sự thường ở những làng quê ngàn năm lúa nước.
Nhiều làng quê, làm nông nghiệp chỉ còn người già
Người nông dân còn gì khi không còn ruộng đất? Đó là câu hỏi không giản đơn, vì ruộng đất là tất cả đối với người nông dân, là nền tảng để tạo ra mọi giá trị của họ. Để có ruộng đất, nhiều thế hệ người nông dân Việt Nam đã từng phải đánh đổi không chỉ công sức, mồ hôi, máu, mà cả lòng tự trọng.
Ruộng đồng là cuộc sống của người nông dân xưa kia, bây giờ, và mãi mãi sau này. Ruộng đất nuôi sống nông dân, làm nên văn hóa, lối sống của nông dân, và cũng tạo nên những bi kịch của người nông dân. Nhưng vụ án từ ruộng đồng như Nọc Nạn thời thực dân, như Tiên Lãng thời nay là những bi kịch của những người nông dân khi tình yêu với ruộng đồng của họ bị ngăn trở.
Người nông dân sống, và chết vì ruộng đồng. Luôn là như thế, bởi khi không còn ruộng đồng, họ không còn là nông dân nữa.
Người nông dân còn gì khi trả lại ruộng đồng? Cái họ còn là sức lao động. Có thể, ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng người nông dân bỏ ruộng là bình thường vì năm ngoái số lượng người Hải Dương đi xuất khẩu lao động tăng 16%. Nhưng, con số 3500 người nông dân Hải Dương đi xuất khẩu lao động chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng lao động dôi dư do bỏ ruộng ở đây.
Thậm chí, nếu như tất cả những người nông dân Hải Dương sau khi bỏ ruộng đều có thể sang Hàn Quốc, Đài Loan, hay chỉ lên Hà Nội làm thợ xây thì cũng không nghĩa việc trả ruộng là điều bình thường. Bởi, những đồng tiền ít ỏi có được từ việc bán sức nơi xứ người chưa bao giờ là con đường bền lâu để mưu cầu hạnh phúc. Khi người nông dân rời bỏ ruộng đồng, họ chỉ còn con đường bán mồ hôi để kiếm sống với mức giá không thể rẻ mạt hơn. Đó là cách thức mà sức lao động của họ không còn khả năng để tái tạo, để gia tăng năng lực. Đó là con đường mà những thế hệ nông dân cha ông họ đã từ chối bằng cách vùng lên quá đà trong cuộc cải cách ruộng đất đầy đau thương hồi giữa thế kỷ trước.
"Khi người nông dân bỏ ruộng đồng, cái họ còn là sự trống rỗng. Đó là những làng quê vắng vẻ bởi không có việc làm, là những mái đình không còn ngày hội, là những bà lão lưng còng nhóm lửa sớm khuya không tiếng nói, là mắt trẻ con tối dưới hiên chiều". |
Người nông dân bỏ ruộng vì rất nhiều lý do, vì ruộng đồng không nuôi nổi họ, vì những hấp lực việc làm từ đô thị, từ những thị trường lao động xa xôi. Họ có lý khi trả lại ruộng đồng. Song, đó là cái lý bất đắc dĩ, cái lý của những điều vô lý. Bởi người nông dân không thể nói lý với cánh đồng của mình khi sau một vụ lúa dài gần nửa năm trời, hạt thóc thu về không đủ bù những chi phí mà họ đã bỏ ra, không đủ bù cho những khoản thu mà họ phải đóng góp trên mỗi đầu sào ruộng. Khi không còn ruộng đồng, người nông dân không còn là nông dân nữa. Vậy họ sẽ là ai? Họ sẽ là những công nhân ở các xóm trọ ngoại ô với bữa cơm thiếu chất và cuộc sống tù đọng về tinh thần. Họ buôn thúng bán bưng trên những vỉa hè bị xua đuổi. Họ đi trên những con đường không phải của mình, bởi bỏ ruộng đồng, họ vẫn là nông dân với đôi bàn tay trắng.
Ruộng đất là máu thịt, là tâm hồn của nông dân. Muôn đời là thế. Nhưng người nông dân đã làm đơn trả ruộng. Đó chắc chắn không phải một việc bình thường, đó là bi kịch lớn nhất của nông thôn. Bởi, khi giã từ ruộng đồng thì người nông dân còn gì? Câu hỏi này có lời đáp hay không?
Theo Nongnghiep.vn