Yêu cầu về chứng nhận hợp quy: Vì sao phải “lùi” thời gian thực hiện?

- Để gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong vấn đề cấp chứng nhận hợp quy, Bộ Công Thương đã phải ra văn bản, lùi từ thời điểm 01/02/2016 đến ngày 27/11/2016 mới thực hiện quy định tại Nghị định số 202.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đang gặp khó khăn trong thực hiện quy định hợp quy
Kỳ vọng lớn
Trong bối cảnh biến động chung của nền kinh tế, phân bón - loại vật tư thiết yếu  phục vụ  ngành trồng trọt luôn biến động về  giá  và nguồn cung đã tác động rất lớn đến sản xuất. 
Lợi dụng lúc giá phân bón biến động ở mức cao, một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đã đưa ra thị trường  nhiều  loại phân bón kém chất lượng, phân bón giả gây thiệt hại cho người nông dân, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường phân bón trong nước.
Để tránh việc nhập nhèm phân bón chất lượng và kém chất lượng, làm gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật thì doanh nghiệp phải có bằng chứng được thừa nhận về sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.
Với kỳ vọng đưa thị trường phân bón vào quy củ, Nghị định số 202/2013/NĐ-CP yêu cầu,  đến ngày 01/02/2016, nếu doanh nghiệp nào có sản phẩm chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh. Theo Nghị định số 202/2013, ngày 27/11/2013 về quản lý phân bón, thì đến ngày 01/02/2016, nếu doanh nghiệp nào có sản phẩm phân bón chưa được cấp chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh.
Để hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác tại Nghị định số 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT,  ngày 30/9/2014.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Thông tư số 29, kể từ ngày 27/11/2014, đối với phân bón vô cơ đã được công bố hợp quy, bắt buộc phải có dấu hợp quy trên bao bì trước khi lưu thông ra thị trường.
Song, thực hiện lại có quá nhiều vướng mắc
Theo các nhà làm chính sách, tính đến thời điểm 01/02/2016, thì doanh nghiệp đã có gần 2 năm để thực hiện quy định về công nhận hợp quy. Song, thực tế, doanh nghiệp cứ “nước đến chân mới nhảy” nên mới xảy ra tình trạng ùn ứ đề nghị chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón khi đã sát đến thời gian (tức vào thời điểm cuối năm 2015).
Song, thực tế dường như lại diễn ra không hẳn như vậy.
Theo số liệu Hiệp hội Phân bón Việt Nam cung cấp, nếu như năm 2013 cả nước mới có trên 500 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, thì theo thống kê mới nhất năm 2015 con số này đã lên tới gần 1.000, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh đã xấp xỉ 500 doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực này, tức là tăng gần 100% so với năm 2013....
Như vậy, tình trạng hiện nay là, số doanh nghiệp đề nghị được công nhận tiêu chuẩn với mặt hàng phân bón quá nhiều, trong khi các sở công thương không có đủ người để đáp ứng yêu cầu, dẫn tới làm chậm việc công bố hợp quy với sản phẩm phân bón mà doanh nghiệp đề nghị.
Bên cạnh đó, hiện tại, số các loại phân gửi về ngành chức năng xem xét cũng đã lên tới khoảng 2.000 loại phân hữu cơ và phân bón. Trong khi đó, chỉ mới có trên 200 loại được công bố hợp quy.
Điều đáng nói là nêu sản phẩm phân đơn (lân, đạm, DAP) cơ bản đã ổn vì có Quy chuẩn Quốc gia, thì các loại phân bón NPK của DN lại chưa có Quy chuẩn Quốc gia, nên các doanh nghiệp không biết công bố sản phẩm của mình hợp quy theo quy chuẩn nào?
Chiều ngược lại, bản thân sở công thương các tỉnh, thành cũng đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao, nên chưa thể công nhận hợp quy cho các sản phẩm NPK của doanh nghiệp.
Bất cập này, rất nhiều doanh nghiệp phân bón gửi công văn phản ánh lên Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).
Trước tình hình này, ngày 20/04/2015, Cục Hóa chất có công văn số 389a/CHC-SPT gửi sở công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn công bố hợp quy các sản phẩm phân bón vô cơ theo Thông tư 29 của Bộ Công Thương, trong đó nói rõ: “khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa ban hành thì theo quy định của phụ lục 13 ban hành kèm Thông tư 29, trong trường hợp theo phụ lục 13 của Thông tư 29 không có thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp sản xuất công bố (theo danh mục phân bón như Nghị định 191 trước đây).
Sau khi có hướng dẫn của Cục Hóa chất vào cuối tháng 4/2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gấp rút hoàn thiện hồ sơ và công bố hợp quy sản phẩm phân bón NPK gửi về sở công thương các tỉnh, thành theo quy định.
 Nhưng, do trên thị trường có từ 5.000-7.000 sản phẩm NPK, nhiều doanh nghiệp có tới hàng trăm sản phẩm, song số lượng phòng phân tích được chỉ định hiện có hạn nên cho đến nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xem xét để được chấp nhận hợp quy NPK.
Trong khi đó, ngành công thương hiện chưa có cán bộ chuyên trách về phân bón, nên giờ chỉ trông chờ vào lực lượng quản lí thị trường, mà đơn vị này chủ yếu đảm nhiệm việc thanh kiểm tra hàng hóa khi đang lưu thông.
Vì vậy, việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan tới phân bón gặp khó khăn.
Đã vậy, đặc thù của sản xuất phân bón là hoạt động kinh doanh liên quan tới thời vụ. Các doanh nghiệp phải chuẩn bị sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung cũng như ổn định thị trường, giá cả phân bón.
Để đáp ứng yêu cầu này, các doanh nghiệp sản xuất phải tiến hành dự trữ trước ở kho và lưu hành tại các đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3 trên thị trường hàng chục ngàn tấn phân bón và trong kho cũng phải dự trữ lượng bao bì lớn tương đương khoảng 5 - 10 tỷ đồng mới đáp ứng được tiến độ sản xuất.
Các bao bì NPK này do trước đây chưa có quy định phải công bố hợp quy, nên chưa được in dấu hợp quy.  
Để tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, vừa qua, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 7077  nêu rõ: Các sản phẩm phân bón đã đưa ra thị trường (trước thời điểm Thông tư 29 có hiệu lực) thì trước mắt vẫn cho lưu thông bình thường và quản lý thị trường không kiểm tra xử phạt vi phạm hợp quy.
 Nhưng, từ 27/11/2016, nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón nào có sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy sẽ bị buộc ngừng sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian “lùi” này, doanh nghiệp vẫn phải công bố như cũ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải thống kê các bao bì, hàng tồn đang lưu hành trên thị trường mà chưa có dấu hợp quy, thông báo đến sở công thương, nhằm tránh tình trạng có đơn vị làm ăn gian dối.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng: Khi đưa ra yêu cầu, quy định mới điều quan trọng là phải có một lộ trình nhất định để doanh nghiệp chuẩn bị và thực thi cho phù hợp.
Vì thế, hành động “hoãn” thời gian áp dụng chuẩn hợp quy của Bộ Công Thương là hoàn toàn hợp lý và cần thiết./.
An Nhi
http://kinhtevadubao.vn/