Bí quyết làm giàu: Sáng kiến bẻ càng để tôm nuôi có giá trị cao

Bí quyết làm giàu: Sáng kiến bẻ càng để tôm nuôi có giá trị cao
Giải pháp nâng cao năng suất tôm càng xanh bằng việc bẻ càng để được tôm loại 1 của ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Thới Thạnh, H.Thạnh Phú, Bến Tre) đang được nhiều nông dân áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tôm càng xanh được ngắt càng trong 2 đợt đến khi thu hoạch sẽ dễ dàng đạt loại 1 /// Bắc Bình
Tôm càng xanh được ngắt càng trong 2 đợt đến khi thu hoạch sẽ dễ dàng đạt loại 1
BẮC BÌNH
 
Ông Đoàn cho biết gia đình nuôi tôm càng xanh xen vườn dừa hơn 10 năm qua. Trong quá trình nuôi, có lúc gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ, bởi khi thu hoạch loại tôm xô chiếm trên 50% sản lượng (loại tôm có càng quá lớn so với cơ thể chúng). Tôm xô luôn bị thương lái mua ép giá, chỉ khoảng 100.000 đồng/kg, trong khi tôm loại 1, 2, 3 có giá 200.000 - 500.000 đồng/kg.
“Nhiều khi tôi định nuôi loại khác, nhưng nghĩ đi nghĩ lại chỉ mỗi tôm càng xanh là phù hợp nhất trong điều kiện xen canh trong vườn dừa. Vậy nên, khi nghe ở đâu có giải pháp hay để khắc phục tình trạng quá nhiều tôm càng xô là tôi tìm tới. Năm 2015, tôi học được cách dùng kéo bấm càng trong quá trình nuôi tôm của một số kỹ sư Trường ĐH Cần Thơ nên áp dụng thử”, ông Đoàn kể.
Ban đầu áp dụng giải pháp này tình hình không cải thiện được bao nhiêu do việc dùng kéo cắt càng thường không đúng khớp, khiến hầu hết tôm bị tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Một lần tình cờ đang cầm con tôm thì nó búng nhảy xuống đất, bỏ lại cặp càng trên tay, ông Đoàn nảy ra sáng kiến níu giữ lại cặp càng để tôm tự búng bỏ càng khỏi thân.
Với diện tích mặt nước 1,2 ha, ông Đoàn chia thành 4 ao, gồm 1 ao lắng và 3 ao nuôi tôm thương phẩm. Nhờ cách phân chia tỷ lệ hợp lý, mỗi năm ông Đoàn nuôi luân phiên được 3 vụ.
“Nước sau khi được xử lý trong ao lắng mới cho vào các ao thả tôm. Tôm thả trong ao thứ 1 được khoảng 3 tháng thì cho thoát khoảng 60% lượng nước trong ao để bắt tôm lên bẻ càng rồi thả xuống ao thứ 2. Sau khi nuôi ở ao 2 khoảng 1,5 tháng lại bắt lên lấy càng như cách cũ và thả xuống ao thứ 3. Cứ xoay vòng như vậy liên tục, tôm càng xanh tại ao của tôi luôn chiếm trên 35% là loại 1, còn lại loại 2 và 3. Loại tôm càng xô chưa vụ nào lên tới 5%”, ông Đoàn chia sẻ.
Song song đó, ông Đoàn tranh thủ lượng thức ăn tươi sống có sẵn tại địa phương cho tôm ăn. Nhờ đó tôm lớn nhanh và chi phí thức ăn giảm khoảng 30% so với thức ăn công nghiệp. Mỗi vụ thu hoạch, ông Đoàn thu 200 - 400 triệu đồng. Mô hình này còn đặc biệt hiệu quả khi nuôi xen trong vườn dừa, bởi lượng phân hữu cơ dưới đáy ao sau mỗi vụ thu hoạch sẽ được bơm lên liếp dừa giúp dừa sai trái.
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH-CN Bến Tre, cho biết giải pháp nâng cao năng suất tôm càng xanh thông qua việc loại bỏ tôm càng xô của ông Đoàn đã đoạt giải sáng kiến trong sản xuất của Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2016 - 2017, vừa được trao giải đầu tháng 5.2018.
“Tôi đã đi thực địa tìm hiểu về mô hình bấm càng tôm của ông Đoàn, thấy có hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Thới Thạnh đã áp dụng thành công theo cách đó. Giải pháp của ông Đoàn sẽ được chúng tôi đề nghị phòng nông nghiệp tuyên truyền nhân rộng để trên 1.500 ha diện tích mặt nước tôm càng xanh của tỉnh đạt năng suất, hiệu quả cao hơn”, bà Thủy cho hay.
Theo Thanh Niên