Bình Định: Năng suất lúa cao kỷ lục

Bình Định: Năng suất lúa cao kỷ lục
Diễn biến thời tiết trong năm 2018 trên địa bàn Bình Định rất bất thường, vụ ĐX 2017 – 2018 do ảnh hưởng cơn bão số 12 kết hợp mưa lớn, gây hại 4.058ha lúa mới gieo sạ, 262ha đất lúa bị sa bồi, ngập úng không kịp khắc phục phải bỏ hoang.
10-34-25_1
Bình Định tổ chức Hội nghị sơ kết SX trồng trọt năm 2018 và triển khai SX vụ ĐX 2018 – 2019

Tiếp đến, nhiều đợt nắng nóng kết hợp với gió mùa Tây Nam làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa vụ HT. Bất lợi dồn dập, nhưng nhờ sự chỉ đạo, điều hành SX vừa quyết liệt vừa linh hoạt, bám sát thực tiễn của chính quyền và ngành chức năng nên đã mang đến thắng lợi toàn diện cho ngành trồng trọt Bình Định.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2018, tỉnh này gieo trồng lúa được 103.855ha, giảm 1.252ha so năm 2017. Năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 64,4 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so cùng kỳ. Tuy diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng tăng 2.737 tấn so với năm 2017.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong điều kiện khí hậu diễn biến bất thường diễn ra từ vụ ĐX đến vụ HT, nhưng ngành trồng trọt Bình Định vẫn đạt được thắng lợi, năng suất lúa cả 3 vụ đều đạt cao hơn năm 2017, là nhờ sự chỉ đạo SX bám sát thực tế của lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng. Trong đó có sự tính toán kỹ lưỡng về lịch thời vụ. Vụ ĐX được bố tí gieo sạ muộn hơn so mọi năm từ 10 – 15 ngày nên tránh được thiệt hại do mưa lớn vào đầu vụ; thời kỳ lúa làm đòng trỗ gặp thời tiết nắng ấm lên lúa cho năng suất cao.

Vụ HT bị ảnh hưởng do vụ ĐX gieo sạ muộn, nhưng nhờ linh động chuyển đổi mùa vụ, sử dụng những giống lúa ngắn ngày, đảm bảo lúa gieo sạ đúng khung lịch thời vụ nên năng suất lúa tăng. “Đây là năm Bình Định có năng suất lúa bình quân cả năm cao nhất từ trước đến nay”, ông Hùng khẳng định.

Cơ cấu giống lúa trong năm 2018 được bố trí phù hợp theo chân ruộng đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của ngành trồng trọt Bình Định trong năm 2018. Trên chân ruộng SX 2 vụ/năm Bình Định đã sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai trung ngày, năng suất cao, như: Khang dân đột biến, ĐV108, TBR36, KD28; trên chân ruộng 3 vụ sử dụng các giống lúa thuần ngắn ngày cho năng suất khá; các giống bổ sung bao gồm giống ngắn và trung ngày bảo đảm năng suất như: VTNA2, Thiên ưu 8, PC6, TBR45, ĐB6, SV181, DT45, BC15, TBR36, MT10. Bình Định cũng đã rà soát, loại ra khỏi cơ cấu các giống lúa không phù hợp như: OM7347, OM6162, OM8017…

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong năm 2018, do thời tiết diễn biến bất thường nên vụ ĐX có nhiều đợt không khí lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại lúa; tiếp đến, vụ HT nắng nóng kết hợp mưa dông xen kẽ tạo điều kiện cho bọ trĩ, rầy nâu, bệnh khô vằn phát sinh gây hại nặng cục bộ. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuần tra, dự tính dự báo chính xác, kịp thời phòng trừ nên đã “cứu” được 730,5ha lúa bị nhiễm rầy; 125ha lúa bị chuột gây hại, 107,5ha lúa bị bọ trĩ; 62,5 lúa bị bệnh đạo ôn; 326ha lúa bị bệnh khô vằn góp phần bảo vệ năng suất.

“Bình Định luôn tích cực trong phong trào diệt chuột bảo vệ cây trồng. Trong năm 2018 đã sử dụng 29.924kg Biorat; 31,5kg thuốc hóa học để diệt chuột. Trong năm 2018 các địa phương trên địa bàn tỉnh đã mua được là 67.696 đuôi chuột, tổng số chuột diệt được là 118.803 con”, ông Phát cho biết.

10-34-25_2
Năng suất lúa bình quân cả năm 2018 đạt mức cao nhất từ trước đến nay

Theo Đài KTTV Bình Định, từ tháng 11/2018, thời tiết trên địa bàn có xu hướng chuyển dần sang trạng thái El Nino. Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra trên địa bàn Bình Định ngay những tháng đầu năm 2019.

Trong khi đó, dự kiến vụ ĐX 2018 – 2019 Bình Định sẽ gieo trồng 65.960ha; trong đó có 48.244ha lúa, 17.716ha màu, 10.448ha sắn và 639ha mía. Dự kiến đến đầu tháng 12/2018 các hồ chứa trên địa bàn tích được 424 triệu m3 nước, đạt khoảng 71% dung tích thiết kế (DTTK). Trong đó, 15 hồ lớn do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý tích được 349 triệu m3, đạt 76% DTTK; riêng hồ Định Bình đạt 210 triệu m3, đạt 93% DTTK; 146 hồ nhỏ do các địa phương quản lý tích được 75 triệu m3, đạt 60% DTTK. Qua tính toán, diện tích gieo trồng trong vụ ĐX 2018 – 2019 tại Bình Định nhiều hơn năng lực tưới của các hệ thống thủy lợi là 6.460ha, đây là những diện tích không chủ động được nước tưới, đứng trước nguy cơ “khát” do ảnh hưởng hiện tượng El Nino.

“SXNN có nguy cơ phải đối mặt với khô hạn ngay từ đầu năm 2019 là rất cao. Để đối phó với tình hình trên, tôi đề nghị trong chỉ đạo SX của ngành chức năng phải triệt để áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm ngay trong vụ ĐX 20818 – 2019, để dành nước phục vụ vụ HT 2019 và vụ mùa.

Bên cạnh đó, các địa phương phải tính toán, tiếp tục thực hiện chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình thực tế. Riêng Đài KTTV, tôi đề nghị đơn vị này cần thực hiện biên độ dự báo ngắn hơn nữa để các địa phương có hướng chỉ đạo SX kịp thời với diễn biến của thời tiết”, ông Trần Châu,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo.

 

Tác giả bài viết: Theo Đình Vũ (Báo Nông nghiệp Việt Nam)