Đổi đời nhờ các dự án sinh kế

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh Lào cai đã triển khai hàng nghìn tiểu dự án sinh kế, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình trồng cây đương quy tại huyện Si Ma Cai

Trước đây, với hơn 1.000m2 đất, anh Hoàng Seo Pao ở thôn Ngã Ba, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai thường trồng ngô phục vụ chăn nuôi, còn lại bán cho thương lái nhưng chẳng thu được bao nhiêu tiền. Từ năm 2016, anh Pao được cán bộ BQL dự án giảm nghèo của huyện vận động trồng đương quy với sự hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật từ nguồn vốn WB.

Theo đó, anh Pao và các hộ được hỗ trợ 50% vốn WB, còn lại 50% bà con đóng góp tính bằng ngày công lao động, phân chuồng, trấu hun... Nhờ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, qua 2 vụ anh Pao thu về hơn 50 triệu đồng, hiệu quả gấp hàng chục lần trồng ngô, trồng lúa. “Nhờ sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật mà bà con mới biết cây đương quy, trước đây trồng ngô vất vả mà thu nhập thấp quá. Nhờ cây đương quy, gia đình mình thoát nghèo rồi”, anh Pao tâm sự.

Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết, là huyện 30A của tỉnh Lào Cai, đời sống đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc thiếu vốn, kỹ thuật canh tác là những trở ngại chính. Với việc triển khai các tiểu dự án trồng trọt, chăn nuôi từ nguồn vốn WB đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

“Ví dụ như cây đương quy, bà con chưa bao giờ nghe nói đến, nhưng hiện tại các hộ tham gia đã nắm chắc kỹ thuật, từng bước có thu nhập từ cây trồng này. Nhiều gia đình giàu có nhờ cây đương quy, ví dụ như nhóm hộ anh Tráng A Chảo ở thôn cán Chư Sử, xã Cán Cấu vừa thu hoạch 1ha đương quy đã có gần 500 triệu đồng", ông Hùng phấn khởi.

Lâu nay, giống lợn đen bản địa Bắc Hà đưa vào chăn nuôi thịt thơm ngon, ít mỡ, bán được giá, có khi gấp vài lần lợn thường. Tuy nhiên, với tập quán chăn thả rông, nguồn thức ăn không đầy đủ... lợn chậm lớn, có gia đình nuôi 1 - 2 năm lợn mới đạt 1 tạ. Vì vậy, hiệu quả chăn nuôi rất thấp, trong khi nhu cầu thị trường lớn.

16-33-38_2
Nuôi vịt thương phẩm tại huyện vùng cao Bắc Hà

Từ khi tham gia tiểu dự án chăn nuôi lợn thịt, từ nguồn hỗ trợ của WB, hiệu quả chăn nuôi lợn của gia đình anh Tráng A Vu, ở thôn Tả Van Chư, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà) và các hộ cải thiện rõ rệt. Anh Vu cho biết, khi tham gia dự án, bà con được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống và làm chuồng trại nuôi nhốt. Lợn được tiêm phòng nên tăng trọng nhanh. Sau gần 7 tháng, đạt 70 - 80 kg/con.

Tại Lào Cai, có đến hàng nghìn tiểu dự án từ nguồn vốn WB đã và đang là đòn bẩy, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Từ đây, nhiều mô hình liên kết giữa người nông dân và DN đã hình thành. Điển hình như: Mô hình liên kết SX, tiêu thụ cây đương quy và cây ý dĩ tại huyện Si Ma Cai; liên kết trồng giong riềng và nuôi vịt xiêm huyện Bát Xát; nuôi gà Dabaco ở huyện Văn Bàn...

Theo đánh giá, tác động sâu sắc nhất từ các dự án giảm nghèo là tạo cơ hội để người nghèo ở vùng cao thay đổi nhận thức. Nhờ các dự án, truyền thống cần cù, tinh thần tự lực, sáng tạo và hợp tác trong cộng đồng được khơi dậy. Điều đó tạo niềm tin, sau khi dự án kết thúc, dù không còn hỗ trợ người dân vẫn đủ tự tin, kỹ năng phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
KẾ TOẠI/nongnghiep.vn