“Hái” ra tiền nhờ trồng sen
- Thứ bảy - 07/07/2018 09:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dọc 2 bên đường từ xã Duy Trinh đi Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, những cánh đồng sen trải dài đang kỳ ra hoa tỏa hương thơm ngát. Hàng năm cứ đến đầu mùa hè, nhiều nam thanh, nữ tú lại tìm về Duy Xuyên để ngắm hoa, chụp ảnh.
Ông Trần Ngọc Hưng, ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú chỉ vào đầm sen chừng 2 ha của gia đình cho biết, nhờ đầm sen này gia đình ông thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Hưng là người tiên phong đưa cây sen về trồng trên đất Duy Phú. Theo ông Hưng, các loại đất từ ao hồ, khe suối, thậm chí đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng sen đều thích hợp, thu nhập cao gấp 5-4 lần so với trồng lúa.
“Tôi tự học, tự làm, không được hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư không bài bản, nếu không thu nhập còn cao hơn nữa. Ở đây họ tới hỏi mua nhiều từ lá sen, ngó sen nhưng người nông dân không đủ khả năng để làm. Nếu như làm kỹ càng, bài bản, tận dụng khe, ao trồng sen nuôi ốc, nuôi cá nữa thì 1 ha sen lãi ròng hơn 50 triệu đồng”, ông Hưng cho hay.
Trồng sen không khó, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên ngày càng có nhiều người đầu tư làm sen. Từ 2 ha sen trồng thử nghiệm ở thôn Chánh Sơn năm 2011, đến nay, xã Duy Phú đã phát triển lên gần 35 ha trồng sen.
Ở Duy Xuyên, sen có thể trồng 2 vụ/năm. Vụ đầu năng suất thường cao gấp ba lần vụ 2, khoảng 100-200 kg hạt/sào. Với giá hạt sen dao động từ 25.000-45.000 đồng/kg như hiện nay, thì mỗi sào sen người nông dân lãi khoảng 5 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Mười, cán bộ Ban Nông nghiệp xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên trăn trở, đầu ra cho cây sen còn khá bấp bênh, giá cả không ổn định. Đầu mùa giá sen cao, có khi lên 45.000-50.000 đồng/kg nhưng đến giữa vụ giá giảm chỉ còn một nửa. Cây sen ngoài phần hạt, còn có thể khai thác lá, hoa, tim sen, ngó sen, gốc sen… làm thực phẩm nhưng hiện bà con mới chỉ làm sen thô nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Ông Nguyễn Văn Mười cho biết thêm, chính quyền và bà con nơi đây mong muốn có hợp tác xã thu mua, chế biến sản phẩm từ sen, để sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó: “Ở đây chưa chế biến được, chỉ mới bóc ra để bán. Họ mua về chế biến ra các sản phẩm khác nữa thì giá bán sẽ cao hơn. Thời gian tới chúng tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu cho cây sen, tiến hành thành lập hợp tác xã thu mua, chế biến sen sau thu hoạch, đầu tư làm bà đỡ cho nông dân. Chúng tôi mong muốn có cơ chế hỗ trợ nhất định cho bà con trong chế biến hạt sen sau thu hoạch. Sản phẩm sau thu hoạch rất lớn nhưng chưa chế biến được nên giá trị thành phẩm trên 1 đơn vị diện tích sen còn hạn chế”.
Huyện Duy Xuyên là địa phương có diện tích sen nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam với khoảng 100 ha, tập trung ở các xã Duy Phú, Duy Sơn, Duy Hòa… Sen Duy Xuyên không chỉ cung ứng cho thị trường miền Trung mà còn vươn ra các tỉnh phía Bắc.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, sen không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa: “Người dân đang có xu hướng chuyển từ đất lúa sang trồng sen. Trồng sen rất hiệu quả nên huyện đã phê duyệt phương án chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Chuyển từ đất lúa sang cây trồng cạn hoặc qua trồng sen, hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện sẽ hỗ trợ hạ tầng như, đường, điện, thủy lợi để khuyến khích người dân trồng sen. Phấn đấu đến năm 2020 Duy Xuyên chỉ còn 2.800 ha lúa, hiện nay là 3.650 ha./.
Theo VOV.vn