Nghề nuôi ong mật ở Minh Bảo

Xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có diện tích rừng lớn, nên việc nuôi ong lấy mật đã trở thành nghề tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Trần Xuân Trường là một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đàn ong nhất ở thôn Trực Bình 2.
Nhờ nuôi ong mật, gia đình ông Trần Xuân Trường ở thôn Trực Bình 2, xã Minh Bảo có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm
Thời gian đầu, ông chỉ nuôi 5 đõ để gia đình dùng là chính. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, sau gần 10 năm, ông Trường đã có gần 60 đõ và cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
 
Ông Trường chia sẻ: "Nuôi ong lấy mật không khó, vốn đầu tư ít, nhưng người nuôi phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ và hiểu được đặc tính của chúng như: xây tổ, chia đàn, nguồn thức ăn của ong, mùa ong đi lấy mật, nhất là đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất”.

Minh Bảo có tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả. Mùa rộ mật bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 7; trong đó, tháng 5 là tháng ong có nhiều mật nhất, người nuôi ong quay mật từ 2 đến 3 lần/tháng. Sản lượng mật thu được mỗi năm gần 10 lít/đõ. Với giá bán hiện nay từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/lít, người nuôi ong thu được 1,5 - 2 triệu đồng/năm/đõ.
 
Nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro nên nhiều gia đình ở xã Minh Bảo đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất đồi rừng và tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để phát triển kinh tế.
 
Từ các mô hình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ có đời sống trở nên khá giả tại 7 thôn như: thôn Thanh Niên 1, Trực Bình 2, Bảo Yên, Thanh Niên 2 ... Thống kê trong năm 2018, toàn xã có trên 30 hộ nuôi ong, trung bình mỗi hộ có 15 đõ, với tổng số tổ là 450 đàn, sản lượng mật cả năm 4.500 lít.

Tuy nhiên, việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở một số hộ còn chậm, nên khâu chăm sóc, bảo quản đàn ong chưa được chú trọng, chủ yếu là nuôi thả tự nhiên nên ong thường hay bị bệnh và bỏ đàn, dẫn đến không ổn định về đàn cũng như khai thác mật.
 
Cùng đó, việc nuôi ong tại các hộ còn nhỏ lẻ mang tính tự phát, chưa có quy mô. Việc tiêu thụ sản phẩm mật ong chủ yếu nhỏ lẻ, người dân mua phục vụ sinh hoạt hàng ngày là chính, nên lượng mua không đáng kể, đầu ra không ổn định, khiến người dân chưa dám đầu tư nuôi mở rộng quy mô. Đây chính là những tồn tại, hạn chế của nghề nuôi ong trên địa bàn xã Minh Bảo.

Ông Bùi Việt Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Bảo cho hay, để phát triển phong trào nuôi ong lấy mật trở thành hướng đi góp phần tăng thu nhập cho nông dân và từng bước đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của xã; đồng thời, góp phần tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để có chính sách hỗ trợ người dân về kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm giúp sản phẩm mật ong của người dân có thị trường tiêu thụ ổn định. 
 
Qua đó, người dân xã Minh Bảo có thêm điều kiện khai thác những lợi thế tự nhiên, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao trên thị trường, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng phát triển.\.
Theo Báo Yên Bái/http://cpv.org.vn