Nuôi gia súc "ăn chắc": Chủ động thức ăn, đảm bảo “3 không, 3 có”
- Thứ tư - 13/06/2018 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham dự diễn đàn có đại diện các cơ quan chuyên môn T.Ư, lãnh đạo các sở ngành liên quan của 8 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ.
Những kết quả đáng ghi nhận
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (giai đoạn 2011 - 2017), tình hình chăn nuôi tại 8 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ (gồm: TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) tuy có biến động nhưng không đáng kể.
Đàn trâu từ 173.000 con vào năm 2011, đến năm 2017 tăng lên 173.900 con; đàn bò từ gần 1.200.000 con năm 2011, đến năm 2017 đã tăng lên gần 1.370.000 con. Riêng đàn bò sữa từ 1.330 con năm 2011, tăng lên 2.366 con năm 2017, tốc độ tăng đàn đạt 77,8%.
Đàn lợn từ 2.200.000 con năm 2011, giảm còn 2.170.000 con năm 2017. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017, giá thịt lợn luôn ở mức thấp kỷ lục.
Từ nuôi bò lai đã mang lại cho nhiều hộ dân xã Phổ An, huyện Đức Phổ, hàng chục triệu đồng/năm. Ảnh: C.X
Bà Hà Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia bày tỏ: “Ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên môn và quản lý tại diễn đàn này sẽ giúp cho ngành chăn nuôi ở các tỉnh thành Nam Trung Bộ phát triển mạnh hơn những mô hình hiệu quả, đặc biệt là phát triển những vật nuôi chủ lực của địa phương trong điều kiện thời tiết biển đổi bất thường”. |
Theo đó, số lượng sản phẩm thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 4.500 tấn, chiếm 5,1% sản lượng thịt trâu của cả nước (địa phương có sản lượng thịt trâu nhiều là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). So với năm 2011, sản lượng thịt trâu giảm 15%. Tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 86.100 tấn, chiếm 26,8% sản lượng thịt bò của cả nước (tỉnh có sản lượng thịt bò nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).
So với năm 2011, sản lượng thịt bò tăng 18,2%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 258.300 tấn, chiếm 6,9% sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của cả nước (tỉnh có sản lượng thịt lợn hơi nhiều là Quảng Ngãi và Bình Định). So với năm 2011, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 16,5%.
Tại Quảng Ngãi, trong những năm qua sự hỗ trợ đầu tư của các dự án và chương trình đã góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi trâu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân. Nhiều chuồng trại được xây dựng kiên cố, mô hình trồng cỏ từng bước được nhân rộng, công tác phòng bệnh được thực hiện tốt hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi giảm đáng kể.
Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có tổng số 120 cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí quy định về loại hình kinh tế trang trại, tăng 31 trang trại so với năm 2016. Trong đó, trang trại có bố trí sản xuất về chăn nuôi là 100 trang trại, bao gồm 83 trang trại chuyên về chăn nuôi, 17 trang trại tổng hợp (chăn nuôi và sản xuất khác). Phát triển chăn nuôi bò cũng đã đạt được kết quả tương đối tốt cả về quy mô tổng đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng và tỷ lệ bò lai hiện nay đứng thứ 4 cả nước.
Cụ thể năm 2017, đàn bò trên địa bàn tỉnh có 278.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 18.305 tấn, tỷ lệ bò lai đạt 65,7%. Các huyện có nhiều hộ nuôi thâm canh và tỷ lệ bò lai cao (đạt trên 70% tổng đàn) là Đức Phổ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi Quảng Ngãi đang có những thách thức, khó khăn, như chăn nuôi gia súc chủ yếu theo hình thức nông hộ phân tán, nhỏ lẻ trong các khu dân cư; nguồn thức ăn cho chăn nuôi chưa được chủ động; ý thức của người dân về phòng chống dịch và tuân thủ pháp lệnh thú y còn thấp, tình trạng giết mổ gia súc không qua kiểm soát vẫn thường diễn ra, đặc biệt là những nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi...
Nhiều giải pháp giúp ngành chăn nuôi
Để tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây hại cho ngành chăn nuôi, các đại biểu tham gia đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, trong đó đáng chú ý là tham luận của đại diện Cục Chăn nuôi. Giải pháp cụ thể là trồng cỏ và cây thức ăn thô xanh chịu được hạn hán, chủ động chọn tạo, nhân thuần, nhập nội một số giống cỏ có khả năng chịu hạn trồng để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại.
Cùng với đó, sử dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, bao gồm cả cỏ và phế phụ phẩm trồng trọt. Lựa chọn và phát triển các cây trồng thích hợp, các giống cỏ địa phương chịu ngập, úng làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Chuẩn bị dự trữ thức ăn tinh, thô xanh trong những ngày mưa lũ lụt (làm cây rơm), dự trữ rơm khô trên nóc chuồng trại chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học và tăng hiệu quả kinh tế; giám sát chặt chẽ các loại bệnh phổ biến trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm; tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine...
Khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện 3 không (không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không giấu dịch) và 3 có (có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi, có tiêm phòng cho gia súc).
Theo danviet.vn