Về nơi người dân biết cách cho na chín rải vụ, toàn xã thu chục tỷ đồng/năm
- Thứ sáu - 07/09/2018 04:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chất đất đồi, núi đá vôi nơi đây khá phù hợp cho cây na phát triển. Từ trồng na, nhiều nông dân ở Lực Hành đã cho thu về vài trăm triệu đồng/vụ.
Na ở Lực Hành thường thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Hiện nay, xã có hơn 90 ha na. Tổng sản lượng na năm nay ước đạt 600 tấn, với giá trung bình 25.000 đồng/kg, những vườn na nơi đây cho tổng doanh thu khoảng 15 tỷ đồng.
Gia đình ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai là hộ trồng na có thâm niên lâu năm ở Lực Hành.
Vườn na của gia đình ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng |
Ông Hoạt cho biết, thành công nổi bật của người trồng na ở Lực Hành là việc thụ phấn nhân tạo thành công. Nhờ vậy, người trồng có thể quyết định được số lượng quả trên 1 cây; phân được thời gian quả chín theo đợt để tránh thu hoạch ồ ạt, đặc biệt là không năm nào na bị mất mùa. Thụ phấn thường tiến hành vào buổi sáng từ 7 - 9 giờ khi những hoa có 3 cánh trong đã nở, đầu nhụy đã chuyển sang màu trắng, có nhiều chất dính. Thực hiện tốt các khâu chăm sóc, mỗi vụ trừ chi phí, hơn 2 ha na cho gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Những năm gần đây, quả na Lực Hành được thương lái thu mua ngày càng nhiều hơn. Bởi na nơi đây không chỉ có độ ngọt cao, quả đều, mã đẹp mà vì người trồng na đã chú trọng nhiều đến việc trồng, chăm sóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Văn Kế, Chủ tịch UBND xã Lực Hành cho biết, từ năm 2015, địa phương đã triển khai mô hình trồng na VietGAP tổng diện tích 15 ha. Tham gia mô hình, người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trồng chăm sóc, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người lao động và phúc lợi xã hội và chất lượng sản phẩm. Từ 15 ha na theo mô hình VietGAP, người dân trong xã đã ý thức được việc trồng na sạch để bảo vệ sức khỏe người trồng, người tiêu dùng và nâng cao thương hiệu. Đến nay, hầu hết diện tích na ở Lực Hành được trồng theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Danh Quế, thôn Minh Khai có gần 20 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc na. Để có vườn na 2 ha thu lãi cả trăm triệu đồng/vụ như hiện nay ông Quế về tận Lạng Sơn để học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, tỉa cành, bón phân, thụ phấn cho hoa. Khi chính quyền địa phương khiển khai mô hình trồng na VietGAP ông hăng hái tham gia. Ông Quế cho biết, do có tiếng trồng na sạch nên cứ đến vụ vườn na của gia đình ông được thương lái ưu tiên thu mua với giá khá cao so với gia chung của thị trường. Vụ năm nay, vườn na 2 ha của gia đình ông cho thu khoảng 10 tấn quả, trừ chí phí cho lãi 220 triệu đồng.
Hiện nay, xã Lực Hành có hơn 100 hộ thu lãi từ 100 đến 350 triệu đồng/năm từ trồng na. Chính quyền địa phương khuyến khích người nông dân sản xuất sạch để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Địa phương đang tập trung xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm na Lực Hành, như vậy chắc chắn cây na tiếp tục sẽ được nâng cao giá trị và góp phần giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Người dân xã Lực Hành phấn khởi bởi na được mùa, được giá |