Báo động rác thải thuốc BVTV

Báo động rác thải thuốc BVTV
Thuốc BVTV đang được nông dân sử dụng ngày càng nhiều, đồng nghĩa với lượng rác thải từ bao bì, vỏ chai phát sinh ngày một lớn.
14-28-38_1
Bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi ngoài đồng

Theo ĐH An Giang, ngay tại địa phương này, với diện tích đất nông nghiệp 600 ngàn ha, lượng thuốc sử dụng bình quân 10 kg/ha, thì lượng thuốc sử dụng bình quân 6.000 tấn/năm, tức khối lượng bao bì, chai lọ, rác thải từ thuốc BVTV ước chừng 600 tấn/năm (trọng lượng bao bì chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc).

Thế nhưng kết quả điều tra cho thấy, có đến 50% rác thải BVTV được bỏ lại môi trường, còn lại hơn 10% bán ve chai (đối với chai nhựa), 5% sử dụng phương pháp chôn lấp và hơn 30% được ngành chức năng cùng DN nông dược tổ chức thu gom lại để tiêu hủy.

Tại Sóc Trăng, với gần 445 ngàn ha đất SX nông nghiệp, mỗi năm nông dân dùng hơn 2.800 tấn thuốc BVTV, lượng rác thải bao bì, chai lọ thuốc BVTV đưa ra môi trường gần 300 tấn. Thế nhưng, chưa tới 10% lượng bao bì được thu gom vào các bể chứa để xử lý. Còn lại là bán ve chai, đốt bỏ, hoặc vứt bừa bãi trên bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng. 

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) tỉnh Sóc Trăng cho biết, phần lớn các hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đều có hỗ trợ của các dự án và Nhà nước, nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này mất dần. Một số nơi xã hội hóa công tác thu gom, nhưng do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên lúng túng và khó duy trì.

Tại Hậu Giang, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, muốn thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV thì phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Bên cạnh đó, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn thì mất chi phí từ 40 - 50 ngàn đồng/kg rác thải, tức 40 - 50 triệu đồng/tấn. 

Đến nay, chỉ duy nhất Nhà máy Xi măng Holcim mới có đủ chức năng xử lý loại rác thải BVTV, nhưng do giá xử lý cao, trong khi ngân sách của tỉnh hạn chế khiến công tác thu gom gặp nhiều trở ngại.

14-28-38_2
Nông dân đem bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng bỏ vào bể chứa

Còn tại tỉnh Tây Ninh có khoảng 380 ngàn ha đất SX các loại (mía, mì, cao su, lúa...), mỗi năm chỉ cần sử dụng 5kg thuốc BVTV/ha (ít hơn so vùng lúa ĐBSCL), tức có khoảng 1.800 ngàn tấn thuốc BVTV đổ vào đây, đồng nghĩa với việc có gần 200 tấn bao bì, chai lọ thải ra môi trường.

Thế nên, vừa qua tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, chỉ 1 đoạn kênh Ðông đi qua địa bàn xã 2km, xuất hiện khá nhiều loại bao bì thuốc BVTV, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguồn nước kênh. Vì vậy, đơn vị quản lý kênh Ðông phải thường xuyên vớt loại chất thải độc hại trên để xử lý.

Ngày 7/8, Trung tâm BVTV phía Nam cùng Tập đoàn Lộc Trời và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh tổ chức ra quân thu gom đợt 2, nhưng cũng chỉ thu được hơn nửa tấn bao bì, vỏ chai thuốc BVTV.

Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT, cứ 3ha đất canh tác cây hàng năm hoặc 10ha đất canh tác cây lâu năm có sử dụng thuốc BVTV đều phải xây một bể chứa bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, phần lớn việc xây bể do địa phương tự vận động và một vài DN góp tiền nên khó thực hiện.

Hai là, công tác xử lý bao bì sau thu gom đang khá nan giải. Do bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, nên việc thu gom và xử lý phải đúng quy trình, do đơn vị được cấp phép thực hiện. Trong khi đó, việc thu gom vẫn còn đơn giản, công tác xử lý, tiêu hủy hoặc bị bỏ trống, hoặc xử lý cùng rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt thủ công, không theo đúng quy định.

Thời gian qua, các địa phương có nhiều giải pháp thu gom rác thải thuốc BVTV, từ vận động, tuyên truyền cho đến xây dựng bể chứa rác thải gần đường giao thông nội đồng, kênh, mương để người nông dân dễ dàng bỏ vào; đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào chương trình xét chuẩn NTM. Tuy nhiên, số rác thải thuốc BVTV được thu gom, xử lý chỉ chiếm một phần “khiêm tốn”.
Theo Đ.Quyên/nongnghiep.vn