Chợ nông thôn mới còn gây lãng phí
- Thứ ba - 31/07/2018 04:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội.
Cùng với các công trình công cộng khác, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Một số chợ nông thôn sau khi hoàn thành đã không được khai thác và sử dụng hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN
Tuy nhiên, một số chợ nông thôn tại Hà Nam sau khi hoàn thành đã không được khai thác và sử dụng hiệu quả, gây lãng phí và là áp lực về nợ công cho các xã khi xây dựng nông thôn mới.
Chợ Đặng Xá, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là một trong những công trình cần phải xây dựng để xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chợ có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng với diện tích hơn 4.000 m2; trong đó, gần 2.000 m2 được xây dựng với các hạng mục công trình như: khu đình chợ, các dãy dãy ki-ốt, khu vệ sinh, bể nước…
Thế nhưng, sau nhiều năm đi vào hoạt động, chợ mới chỉ khai thác hết 1/3 diện tích với một vài gian hàng và còn có 40% các ki ốt chưa có người thuê.
Theo ông Chu Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, do không tính toán được lượng tiểu thương, cũng như lượng nhân dân họp chợ trên địa bàn nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay, diện tích sử dụng thực tế cũng như quy mô nhân dân đến họp chợ đều không đạt 100%. Hàng ngày chợ Đặng Xá hầu như chỉ họp vào buổi sáng, còn buổi chiều chỉ đạt 1/3.
Còn tại chợ Chằm, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm được hoàn thành từ 3 - 4 năm nay nhưng hầu như không hoạt động.
Chợ Chằm có mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng với khoảng 200m2 có mái che nhưng hiện chủ yếu để người dân xung quanh sử dụng những việc khác như: phơi quần áo, làm chỗ để máy cày, thanh niên vui chơi… Chợ có 2 dãy ki ốt với 22 gian hàng cũng chưa được thuê hết.
Chị Ngô Thị Hòa, người dân sinh sống gần chợ cho biết, Chợ Chằm được xây dựng đã lâu nhưng chỉ có 1 vài hàng rau bán ở cổng chợ, còn bên trong thì chưa một ngày họp chợ. Người dân muốn mua, bán phải sang chợ khác cách khoảng 3-4 km.
Không thể phủ nhận sự cần thiết và vai trò của các công trình nông thôn mới đối với phát triển kinh tế - xã hộ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, các xã mới chỉ quan tâm huy động vốn đầu tư xây dựng, mà chưa quan tâm nhiều đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác một số công trình.
Bên cạnh đó, vì mục tiêu đạt chuẩn nên nhiều công trình có mức đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp, gây lãng phí.
Hiện tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản của Hà Nam vẫn đang ở mức khá cao so với cả nước. Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc huy động đủ kinh phí xây dựng các công trình nông thôn mới; trong đó có chợ nông thôn là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, song để khai thác sử dụng hiệu quả công trình cần có sự tính toán kỹ càng, phù hợp với địa phương để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí./.
Thanh Tuấn/TTXVN