Được ưu tiên vẫn khó vay vốn
- Chủ nhật - 17/06/2018 00:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hơn 1 năm trước, ngành ngân hàng (NH) cam kết dành ra khoảng 100.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với mức lãi suất thấp hơn thị trường nhưng không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng tiếp cận được. Theo số liệu của NH Nhà nước đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mới đạt khoảng 40.000 tỉ đồng với 14.723 khách hàng.
Khó từ… giấy chứng nhận!
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư phát triển nhưng để được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không hề dễ.
Thực tế, dù quy định đã có từ năm 2010 nhưng đến nay, cả nước chỉ gần 30 DN được cấp giấy này. Ông Trang Quốc Dũng, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát (TP HCM), cho biết giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là điều kiện đầu tiên để được hưởng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NH.
Một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo Quyết định 19/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu lực từ đầu tháng 6-2018, UBND cấp tỉnh, TP là cơ quan thực hiện thủ tục hành chính này cho DN, thay vì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM nhìn nhận tiêu chí để được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phần lớn là định lượng, không định tính nên khó cho DN trong việc chứng minh, khó cho cả đơn vị thẩm định hồ sơ. Chưa kể việc thực hiện thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ có độ trễ nhất định.
Ngoài ra, để được công nhận, DN phải đáp ứng nhiều tiêu chí phức tạp khác về doanh thu, tỉ lệ lao động có trình độ đại học… Chính những khó khăn từ giấy chứng nhận khiến không nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của NH thương mại.
Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hải Âu, cho biết nông nghiệp là lĩnh vực hoạt động chính của DN này, cùng với kinh doanh xăng dầu, hàng hải và làm du lịch. Có điều, thời gian qua mảng nông nghiệp vẫn hoạt động chủ yếu dựa vào vốn từ những mảng còn lại bởi DN chưa tiếp cận được đồng vốn nào của NH. Công ty của ông đang sản xuất các sản phẩm dưa lưới trồng theo hướng hữu cơ hoàn toàn, bảo đảm sạch cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Để có những sản phẩm đầu tiên nhãn hiệu Danny Green ra thị trường, DN này đã nghiên cứu trong 3-4 năm qua và đầu tư với số vốn khoảng 30 tỉ đồng.
"Làm ra sản phẩm xong phải tiếp cận các công ty phân phối, hệ thống siêu thị rồi mới có thể sản xuất đại trà. Khi đó mới có thể tính đến bài toán vay được vốn ở NH thương mại. Điều này lý giải vì sao các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn" - ông Phong Lan nói.
Ngân hàng chưa tin tưởng
Trên thực tế, dù có chính sách ưu đãi của nhà nước về hỗ trợ cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch nhưng thật sự các NH thương mại chưa tin những người làm nông nghiệp bởi các DN này rất khó để chứng minh về tính khả thi của dự án, đầu ra của sản phẩm, cũng như khó có tài sản thế chấp.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Nhơn (Bình Phước) đồng thời là Phó Chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, nhìn nhận công ty ông đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến cuối tháng 6 này, công ty sẽ nhận chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) mở đường cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay các dự án của công ty ông vẫn chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào dành cho nông nghiệp công nghệ cao, vì các thủ tục để hưởng ưu đãi quá phức tạp. "Chúng tôi cố gắng tự thân vận động, không trông chờ chính sách. Tuy nhiên, nhà nước cần quan tâm hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác DN để chúng tôi có điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh" - ông Hùng bày tỏ.
Trong khi đó, dưới góc độ người cấp tín dụng, lãnh đạo nhiều NH thương mại thừa nhận sẵn sàng cho vay nếu dự án khả thi, hiệu quả, bên cạnh điều kiện khác là có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, bài toán của các DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao lại không đơn giản, vì nó phụ thuộc vào hiệu quả đầu vào - đầu ra của sản phẩm, làm thành công nhưng phải bán được, tiêu thụ được…
Chủ tịch HĐQT NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành nhận định tiếp cận vốn NH hiện không còn là bài toán khó nhưng vấn đề của một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là làm sao chứng minh dự án hiệu quả. Bởi, phần lớn các DN lần đầu tham gia làm nông nghiệp, khởi nghiệp trong nông nghiệp và chưa biết hoặc chưa chứng minh được hiệu quả thì NH không dám cho vay.
"Yếu tố có tài sản bảo đảm chỉ là một phần, quan trọng nhất là các DN nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đầu tư vào dự án mà NH thấy triển vọng không cao thì rất khó để giải ngân. Công nghệ cao được khuyến khích nhưng đi vào thực tế từng dự án phải hiệu quả như chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, cây cảnh… phải tính toán để bán được trong nước hoặc xuất khẩu. Lãi suất ưu đãi thấp, NH phải tính toán đồng vốn bỏ ra" - ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NH Nhà nước phân tích.
Chỉ vốn ngân hàng chưa đủ
Để tháo gỡ khó khăn này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, vốn của NH thương mại chỉ là một phần, câu chuyện còn lại cần sự vào cuộc hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, cơ quan quản lý trong bài toán đầu vào - đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, kể cả cơ chế hỗ trợ nhằm ổn định giá cả. Sản phẩm sạch, công nghệ cao nhưng sản xuất xong dư cung, bán không ai mua thì cũng không hiệu quả. Ngoài ra, vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ ở tỉnh, TP cũng rất cần thiết để NH yên tâm cho vay.