Được ưu tiên, vì sao doanh nghiệp Hà Tĩnh vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng?
- Chủ nhật - 14/07/2019 10:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Agribank Hà Tĩnh II có dư nợ cho vay đối với DNN&V trên 453 tỷ đồng
Ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Ngân hàng Nhà nước với vai trò chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho khách hàng, trong đó cho vay DNN&V. Tuy nhiên, DN đó phải đủ điều kiện, mà cốt lõi nhất là phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ngân hàng không thể chấp nhận cho vay khi DN đó liên tục báo lỗ và không có phương án sản xuất hiệu quả”.
Tăng trưởng nguồn vốn cao, chính các ngân hàng cũng muốn được bơm vốn cho doanh nghiệp
Đến đầu tháng 7, tổng mức dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đạt trên 46.358 tỷ đồng, giữ ở mức tăng trưởng 7,15%/năm. Trong số này, mức dư nợ từ các chương trình tín dụng ưu tiên chiếm 45% tổng dư nợ và dư nợ thuộc lĩnh vực DNN&V đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn tập trung cao ở Agribank Hà Tĩnh (hơn 455 tỷ đồng); Angribank Hà Tĩnh II (453 tỷ đồng); Vietcombank bắc Hà Tĩnh (trên 1.000 tỷ đồng); BIDV Hà Tĩnh (300 tỷ đồng); Vietinbank Hà Tĩnh (hơn 328 tỷ đồng)... Mức lãi suất ưu đãi từ 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn và 9- 10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Thậm chí, một số ngân hàng còn “chào mời” bằng chế độ khuyến khích cho vay bằng lãi suất cạnh tranh dưới 6%/năm.
Con số này chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong bức tranh tín dụng của Hà Tĩnh, dù cho số lượng doanh nghiệp của tỉnh khá lớn và tiếp tục tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay (mức độ tăng số lượng doanh nghiệp khoảng 20%).
Các điều kiện vay vốn tuy rõ ràng nhưng khá ràng buộc, do đó không phải DN
nào thiếu vốn cũng có thể tiếp cận được nguồn vay ưu đãi này
Kể cả các chính sách “khơi thông” dòng vốn đang cùng lúc được áp dụng như: Nghị định 116/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn được ban hành với nhiều ưu đãi như: Có thể vay 70-80% giá trị phương án sản xuất mà không cần phải thế chấp tài sản. Các gói tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa lên đến hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng BIDV, Vietinbank; Quỹ Hỗ trợ phát triển DNN&V của Bộ KH&ĐT thông qua ủy thác ngân hàng...
Ông T., Giám đốc một doanh nghiệp từng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở TP Hà Tĩnh cho hay: Một vài năm lại đây, ngành xây dựng gặp khó khăn, công ty khó tìm thấy những dự án mới, trong khi nợ đọng ở nhiều dự án cũ chưa được thanh toán. Vốn hết, gõ cửa ngân hàng thì đều bị từ chối vì hạn mức vay vốn đã hết. Từ đầu năm nay, công ty đang tạm dừng hoạt động vì thiếu vốn, nợ cũ ngân hàng cũng chưa thể trả được.
DN lĩnh vực xây dựng vẫn nằm trong "top" các DN khó tiếp
cận vốn vay nhất vì yếu tố rủi ro cao
Doanh nghiệp muốn ngân hàng “bơm” vốn tiếp sức, thậm chí là “vớt” khỏi “chết đuối” trong giai đoạn kinh tế nhiều khó khăn. Trên thực tế, không riêng gì DN, ngân hàng cũng muốn đẩy thông được nguồn vốn ưu đãi này ra nền kinh tế. Thế nhưng, nguồn vốn từ ngân hàng đầu tư trước khi sinh lãi thì phải đảm bảo được tính an toàn tín dụng. Các doanh nghiệp không đưa ra được phương án sản xuất rõ ràng hoặc liên tục báo lỗ thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó khó đáp ứng phương án trả nợ của các ngân hàng.
“Ngân hàng đủ vốn để cho DN vay nếu anh có phương án sản xuất khả thi, đồng thời có lộ trình trả nợ hiệu quả. Ngược lại, ngân hàng không thể mạo hiểm với nợ xấu" - lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn khẳng định.
Theo Nguyễn Oanh/baohatinh.vn