Nói không với nông sản bẩn
- Thứ hai - 11/06/2018 03:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, nhắc đến thực phẩm bẩn có lẽ không ít người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào nguồn gốc, xuất xứ và vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ các sản phẩm nông sản do chính người Việt Nam sản xuất. Bởi lẽ, bài học về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt ở Việt Nam những năm trước đây vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của bao người.
Nếu làm tốt khâu an toàn thực phẩm sẽ khiến mặt hàng nông sản Việt có chỗ đứng và tiếp tục phát triển (ảnh mang tính minh họa) |
Sau hàng loạt vụ việc thịt lợn bị cho tiêm thuốc an thần, sử dụng chất tạo nạc; tôm bị tiêm hóa chất; rau muống, rau cải “tắm” chất khích thích…khiến nhiều mặt hàng nông sản bị người tiêu dùng tẩy chay và rơi vào khủng hoảng. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp đã phải chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, chế tài, đặc biệt nâng cao việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm. Trong đó, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử và đẩy mạnh phát triển nông sản theo chuỗi sản xuất an toàn được quan tâm đặc biệt.
Tuy nhiên, với việc nhiều mặt hàng nông sản chưa công bố chi tiết các nội dung như: Mã code, mã vạch về những thông tin liên quan đến giấy chứng nhận, quy trình sản xuất, nguồn gốc của sản phẩm…khiến người dân chưa thực sự yên tâm. Việc điện thoại thông minh có thể dễ dàng quét mã QR code (thông số, nguồn gốc sản phẩm) khiến người tiêu dùng an tâm hơn.
Đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng bộ tiêu chí chuẩn mực về chất lượng sản phẩm, cũng như quy chuẩn về cung cấp thông tin minh bạch, thương hiệu minh bạch với các nhà cung cấp, cửa hàng kinh doanh…để người tiêu dùng biết đâu là mặt hàng nông sản sạch, đâu là không sạch. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước phải siết chặt việc cấp phép các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nông sản sạch. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các chế tài liên quan đến các khâu: Trông trọt, chăn nuôi, bảo quản, lưu thông, chế biến, sản xuất… để không có nông sản phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn lưu thông trên thị trường mới thực sự tạo chỗ đứng và phát triển bền vững cho nông sản Việt. |
Nhưng thực tế cho thấy, không phải người tiêu dùng nào cũng sử dụng và biết sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích này. Trong khi đó, việc nhập nhèm sau vụ việc mua bán giấy chứng nhận VietGap được kênh truyền hình VTV24 phanh phui, khiến người tiêu dùng đặt dấu hỏi về độ an toàn với các mặt hàng nông sản đã được cơ quan chức năng Việt Nam công nhận.
Đề cập đến vấn đề minh bạch nguồn gốc, xuất xứ nông sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, hiện Việt Nam mới chỉ có các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, trái cây thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử, vì đây là điều kiện bắt buộc để sản phẩm xuất khẩu được vào các thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu…còn tại các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cho thị trường nội địa, việc truy xuất nguồn gốc hầu như chưa thực hiện được.
“Hiện nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap…nhưng vẫn chưa đủ độ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Vì thế, người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, họ cần thông tin truy xuất nguồn gốc tại các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thay vì chỉ nhận được những thông tin về độ an toàn sơ sài, đó là quyền lợi mà người tiêu dùng được hưởng”, bà Minh nhấn mạnh.
Vàng thau có lẫn lộn?
Trước vấn nạn thực phẩm kém an toàn, khiến nhu cầu sử dụng nông sản an toàn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Vì thế, sau chương trình hành động của ngành nông nghiệp về việc triển khai xây dựng các địa chỉ nông sản an toàn tại các thành phố lớn, hàng loạt cửa hàng kinh doanh nông sản, siêu thị mini, bày bán thực phẩm an toàn mọc lên “như nấm sau mưa”.
Dạo một vòng qua các con phố trên địa bàn Hà Nội, người tiêu dùng dễ dàng tìm được các cửa hàng bán nông sản an toàn với đầy đủ các loại thực phẩm từ đậu phụ, thịt lợn, rau cải, rau ngót…đến các loại hoa quả và giá bán cao hơn rất nhiều so sản phẩm cùng loại bán tại chợ truyền thống vì được gắn mác “sạch”. Và người tiêu dùng một lần nữa lại bị “khủng hoảng” khi rơi vào ma trận thực phẩm an toàn.
Chị Nhung (Trung Kính, quận Cầu Giấy) cho biết: “Hiện nay, để mở một cửa hàng bán nông sản sạch không phải khó, chỉ cần bỏ ra khoảng 20 - 30 triệu đồng tiền đầu tư, cùng với từng đó số tiền dùng để thuê mặt bằng là có ngay một cửa hàng đẹp. Còn nguồn hàng có thể tìm kiếm tại một số tỉnh miền núi, hoặc một vài cơ sở đã được chứng nhận trồng rau an toàn như Sóc Sơn (Hà Nội), Hòa Bình…”.
Mở một cửa hàng thực phẩm an toàn không khó, việc nhập hàng vào cửa hàng để bán còn dễ hơn nhiều, khiến không ít cửa hàng “có vấn đề” về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, cơ quan quản lý mỗi năm chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vài lần đến kiểm tra, rồi đâu lại vào đó càng làm cho các cửa hàng, siêu thị lấy mác kinh doanh nông sản sạch tha hồ vùng vẫy.
Không chỉ có sự nhập nhèm của nông sản sạch, nông sản an toàn, một mô hình mới về nông sản hữu cơ cũng đang được bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường, mặc dù tiêu chuẩn về thực phẩm này hiện nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng ở Việt Nam đưa ra. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ nhiệm Hợp tác xã Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, việc tiếp cận được với quy chuẩn sản xuất rau an toàn đã khó, thì với từng hộ dân riêng lẻ, để tiếp cận được còn khó hơn nhiều.
Đấy là chưa kể đến việc nếu có hộ gia đình nào đó, muốn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hay Global Gap, thì họ còn phải tự bỏ tiền túi ra để xin kiểm nghiệm, cấp chứng nhận và phải tự lo từ đầu vào đến đầu ra. Vì thế, với lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, để sản xuất và tìm đầu ra còn khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng theo ông Đạt, hiện người dân áp dụng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn là rất khó khăn, vì thế, họ mong muốn tìm được đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, đến lúc đó giá trị sản phẩm mới đem lại lợi nhuận tương ứng với công sức bỏ ra.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều cửa hàng bán nông sản sạch mọc ra nhưng không công bố rõ ràng nguồn gốc, thậm chí rau an toàn đã được người dân bán tại các chợ truyền thống như rau bình thường, thì người dân cũng không còn mặn mà sản xuất và người tiêu dùng thì không biết có được thụ hưởng rau an toàn tuyệt đối hay không.
Liên quan đến vấn đề này các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay đường đi của thực phẩm bị chi phối rất nhiều bởi nhà phân phối, đại lý. Vì thế, việc kiểm soát và nâng cao ý thức của nhà phân phối, đại lý sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn trong vấn đề minh bạch nông sản an toàn. Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng này thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất cần liên kết lại với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn để góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng bộ tiêu chí chuẩn mực về chất lượng sản phẩm, cũng như quy chuẩn về cung cấp thông tin minh bạch, thương hiệu minh bạch với các nhà cung cấp, cửa hàng kinh doanh…để người tiêu dùng biết đâu là mặt hàng nông sản sạch, đâu là không sạch.
Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước phải siết chặt việc cấp phép các cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nông sản sạch. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các chế tài liên quan đến các khâu: Trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, lưu thông, chế biến, sản xuất… để không có nông sản phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn lưu thông trên thị trường mới thực sự tạo chỗ đứng và phát triển bền vững cho nông sản Việt.
Đỗ Đạt/laodongthudo.vn