Xây dựng nông thôn mới: Lối đi nào cho "phố cổ" Thạch Kim?
- Thứ bảy - 22/09/2018 01:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thạch Kim được nhiều người ví như "phố cổ" của Hà Tĩnh không chỉ bởi dáng dấp phố thị mà còn bởi sự... chật chội.
Con đường trục chính từ xã Thạch Bằng về UBND xã khá tấp nập, nhà cao tầng san sát, vẻ ngoài sầm uất. Song, hầu hết các con ngõ rẽ vào khu dân cư chỉ rộng trung bình 2m. Thậm chí, không ít đường chỉ rộng hơn 1m, 2 xe máy tránh nhau còn khó khăn, nhiều đoạn đường được tận dụng đi trên mương thoát nước…
Tuy kinh tế địa phương có nhiều bước phát triển, tổng thu nhập toàn xã năm 2017 đạt trên 350 tỷ đồng, nhưng theo kế hoạch, Thạch Kim nằm trong nhóm những xã cuối cùng của Hà Tĩnh chạm đích NTM (năm 2020).
Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Hà Minh Tân cho biết: Toàn xã có hơn 11.000 nhân khẩu, 2.400 hộ dân sống chen chúc trên diện tích 30 ha. Đất Thạch Kim phần lớn là đất ở, người dân không có đất nông nghiệp, không có đất vườn. Có muốn tuyên truyền hiến đất mở đường, xây dựng hạ tầng cũng khó vì người dân đã xây dựng nhà ở kiên cố và diện tích đất ở của họ cũng rất ít.
Do vậy, nếu không có cơ chế đặc thù, xã không thể hoàn thành tiêu chí giao thông. Việc tái định cư, giãn dân cũng khó khăn bởi xã không còn quỹ đất. Bên cạnh đó, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, ngoài khả năng ngân sách của xã hiện nay.
Ông Phạm Văn Tuất (thôn Sơn Bằng) chia sẻ: Nhà tôi ở chỉ rộng 2,5m, đất được ông bà tổ tiên để lại, cuộc sống hiện tại đã hết sức chật chội, có muốn hiến đất mở đường cũng… bó tay.
Không chỉ tiêu chí giao thông, tiêu chí thứ 20 – xây dựng vườn mẫu cũng là một thách thức lớn đối với Thạch Kim do người dân không có đất vườn. Diện tích ít, lại là vùng đất cát nên để quy hoạch, xây dựng nên những khu vườn mẫu gần như là điều không thể.
Đất chật, người đông, để đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, xã đang cố gắng xây dựng thí điểm theo đặc thù riêng tại các thôn Giang Hà, Hoa Thành. Tuy nhiên, đích đến còn... rất xa!.
Cũng do quỹ đất hạn hẹp, hiện tại, cơ sở vật chất văn hóa tại Thạch Kim chưa đảm bảo theo quy định, các thôn chưa có sân bóng chuyền, xã chưa có sân bóng đá… Giải pháp cho thực trạng này là... phải xây dựng kè chắn sóng, tạo thêm quỹ đất mới để quy hoạch các công trình thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, phương án này vượt quá tầm tay của địa phương.
Bên cạnh đó, Thạch Kim cũng đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí môi trường, nhà ở dân cư, hộ nghèo… Được biết, hiện nay, xã Thạch Kim có một số hộ chế biến hải sản trong cụm công nghiệp đang sử dụng thùng nhựa cũ để đựng sản phẩm ruốc, nước mắm.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà, các thùng này không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các hộ dân nêu lý do không có kinh phí nên không thể thay thế. Vì vậy, đến nay, các cơ sở vẫn chưa được cấp giấy phép ATVSTP. Tình trạng này, địa phương chưa có giải pháp tháo gỡ.
"Hiện tại, Thạch Kim đã hoàn thành 12 tiêu chí, nhưng những tiêu chí còn lại đang gặp rất khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn. Để hoàn thành xây dựng NTM, địa phương sẽ tập trung phát huy lợi thế kinh tế biển, huy động được nguồn lực và đồng thuận từ phía nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng... Tuy nhiên, để Thạch Kim vượt qua cảnh "đi sau về muộn", rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực của cấp trên, nhất là có cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn" - Chủ tịch UBND xã Hà Minh Tân trăn trở
Theo Dương Chiến/baohahatinh,vn