Ba Chẽ: Xây dựng sản phẩm trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao

Ba Chẽ: Xây dựng sản phẩm trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao
Nhằm khai thác thế mạnh từ loài cây trồng bản địa, năm 2015, huyện Ba Chẽ bắt đầu quy hoạch các vùng trồng cây dược liệu, trong đó tập trung nhân rộng cây trà hoa vàng. Quy hoạch xác định đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng được 500ha trà hoa vàng. Đặc biệt, huyện đã định hướng xây dựng thương hiệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP, có chỗ đứng vững trên thị trường.

Trà hoa vàng - một trong những loại cây xóa nghèo cho bà con dân tộc thiểu số ở Ba Chẽ.

Để hiện thực điều này, giai đoạn 2015-2017, Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia vào các dự án trồng trà hoa vàng tập trung. Nhờ đó, đến nay Ba Chẽ trở thành địa phương có diện tích trồng trà hoa vàng lớn nhất tỉnh với hơn 146ha, tập trung nhiều ở các xã Thanh Sơn, Đồn Đạc và Đạp Thanh. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch hoa đạt trên 50ha, thu hoạch lá đạt trên 60ha.

Gia đình anh Nịnh Văn Trắng, dân tộc Sán Chỉ (xã Đạp Thanh), đi đầu trong bảo tồn và khai thác hiệu quả trà hoa vàng. Năm 2006, phát hiện loại cây quý này đem lại giá trị kinh tế cao, anh Trắng vừa thu mua trà hoa vàng từ tự nhiên, vừa tìm cây giống để ươm trồng. Sau 4 năm, đất không phụ công người, lứa trà trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh khoản thu nhập không nhỏ.

Để mở rộng sản xuất, anh Trắng đã thành lập Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh do anh làm chủ. Đến nay doanh nghiệp đã trồng được trên 3ha trà hoa vàng với hơn 1 vạn gốc. Ngoài trồng, sản xuất giống trà hoa vàng, hiện công ty còn đứng ra thu mua, bao tiêu toàn bộ trà cho người dân trên địa bàn, để chế biến sản xuất 3 sản phẩm OCOP là trà túi lọc, hoa khô và lá. Mỗi năm gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng từ giống trà này. 

Sản xuất sản phẩm từ trà hoa vàng tại Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh.

Cũng giống như anh Trắng, gia đình ông Đàm Văn Cường, dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, đã đầu tư trồng và phát triển cây trà hoa vàng đem lại giá trị kinh tế cao. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn trà của gia đình, ông Cường cho biết: Được Nhà nước hỗ trợ về vốn, giống để phát triển sản xuất, gia đình tôi mạnh dạn trồng, đến nay đã có trên 3ha trà hoa vàng đang sinh trưởng và phát triển tốt, hằng năm cho sản lượng trên 60kg trà khô, mang lại nguồn thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Chính từ hiệu quả mà trà hoa vàng mang lại, Ba Chẽ đã đưa loại cây trồng này thành một trong những sản phẩm thuộc chương trình OCOP và đây cũng là loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện.

Cùng với việc đẩy mạnh trồng trà, khâu xây dựng thương hiệu cũng được huyện Ba Chẽ chú trọng. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ người dân thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì cho các sản phẩm từ trà hoa vàng... đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ làm tốt các khâu mà hiện nay, trà hoa vàng đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, là sản phẩm có doanh thu cao tại các hội chợ.

 

Sản phẩm từ trà hoa vàng đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Hướng tới xây dựng sản phẩm trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn 5 sao, Ba Chẽ đã và đang tập trung vào việc đổi mới mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có từ trà hoa vàng. Hiện tại, huyện đang nghiên cứu và sẽ cho ra một sản phẩm mới là trà túi lọc được chế biến từ hoa của loại cây này.

Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Thời gian tới, huyện đẩy mạnh phát triển cây trà hoa vàng, vừa bảo vệ nguồn dược liệu quý, vừa tạo nguồn lực nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương; tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội trà hoa vàng 2 năm/lần; kêu gọi, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm từ trà hoa vàng. Qua đó, nhân rộng diện tích, góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu trà hoa vàng hướng tới là một trong 6 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia và đưa Ba Chẽ là một trong 3 vùng dược liệu quý theo như quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh.

Thùy Loan (Trung tâm TT-VH Ba Chẽ)/ Quangninh.gov.vn