Chăn nuôi theo chuỗi bài bản, an toàn: Đủ khả năng tiếp cận các thị trường khó tính
- Thứ sáu - 19/10/2018 09:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trứng chuẩn bị đóng hộp để đưa ra thị trường ở Cty Vietfarm (TP.HCM) |
Từ thực tiễn phát triển chăn nuôi trong 10 năm qua và yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, các ý kiến tham luận đều khẳng định chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu để phát triển ngành chăn nuôi nước ta.
Theo TS Võ Trọng Thành (Cục Chăn nuôi), trong 10 năm qua (2008 - 2018), chăn nuôi ở nước ta đã có những chuyển biến mạnh theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, năng suất thấp; tăng quy mô chăn nuôi công nghiệp, trang trại năng suất cao. Điều này thể hiện rất rõ qua các số liệu thống kê: Tổng đàn lợn tăng 2,4%, nhưng sản lượng giết thịt tăng 33,5%; tổng đàn gia cầm tăng 55,5%, nhưng sản lượng giết thịt tăng 134,3%; tổng đàn trâu giảm 13,7% nhưng sản lượng giết thịt tăng 23,1%; tổng đàn bò giảm 14,7% nhưng sản lượng giết thịt tăng 43,4%.
Trong ngành chăn nuôi đã hình thành nhiều chuỗi liên kết hoạt động có hiệu quả và ổn định trong nhiều năm qua. Trước hết là mô hình doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y kèm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, sau đó DN mua lại sản phẩm chăn nuôi là gà thịt, lợn thịt xuất chuồng. Tiêu biểu là mô hình của các DN như C.P Việt Nam, Japfa, Dabaco, Emivest ...
Mô hình DN hợp tác với nông dân sản xuất và cung ứng trứng gà đạt chuẩn và có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu biểu là các DN như Ba Huân (TP.HCM), Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), Tiên Viên (Hà Nội)... Mô hình DN giết mổ thu mua một phần hoặc toàn bộ lợt thịt của nông dân để giết mổ và phân phối ra thị trường (bán lẻ qua cửa hàng thực phẩm, siêu thị; bán cho khu công nghiệp, trường học...), với các DN tiêu biểu như Vissan (TP.HCM), An Hạ (TP.HCM), An Hào Phát (Đồng Nai), Hải Thịnh (Bắc Giang), Vinh Anh (Hà Nội)...
Chuỗi liên kết DN - nông dân chăn nuôi bò sữa theo hướng DN ký hợp đồng với nông dân chăn nuôi bò sữa để thu mua sữa, chế biến và phân phối ra thị trường (các DN tiêu biểu như Vinamilk, Mộc Châu...). Chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối khép kín (TH True Milk, Sagrifood) là mô hình mà tập đoàn gồm nhiều công ty con thực hiện các khâu từ chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và phân phối ra thị trường.
Từ năm 2017, ở Đông Nam Bộ đã xuất hiện Chuỗi giá trị XK gà thịt, với công ty cung cấp giống (Bel Gà), công ty cung cấp thức ăn (De Heus), Tập đoàn Hùng Nhơn và các trang trại chăn nuôi gà, Cty Koyu & Unitek thu mua, giết mổ và XK. Ông Gabor Fluit, TGĐ De Heus Châu Á, cho rằng, lượng thịt gà XK sang Nhật Bản chưa phải là lớn, nhưng việc XK được vào thị trường rất khó tính này đã khẳng định rằng Việt Nam có đủ khả năng XK thịt gà tới nhiều thị trường quan trọng khác trên thế giới nếu tổ chức chăn nuôi theo chuỗi một cách bài bản, an toàn.
Cũng theo ông Gabor Fluit, xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị trong chăn nuôi là hướng đi đúng đắn và tất yếu. Ngoài việc tạo điều kiện hình thành, phát triển các chuỗi giá trị lớn trong ngành chăn nuôi để hướng tới XK, việc phát triển các liên kết nhỏ hơn ở các tỉnh, cũng rất quan trọng. Bởi sản phẩm từ chuỗi giá trị chăn nuôi mới đủ sức thuyết phục người tiêu dùng do đảm bảo được ATTP, có truy xuất nguồn gốc.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, nước ta hiện có khoảng 23 ngàn trang trại chăn nuôi, trong đó mới có 1.505 trang trại được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, là quá ít. Mỗi năm mới chỉ XK được khoảng 10 ngàn tấn thịt lợn, thịt gà cũng là quá khiêm tốn so với sản lượng thịt mà ngành chăn nuôi tạo ra. Do đó, cần phải có các giải pháp phát triển mạnh các chuỗi giá trị chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong thời gian tới.