Chàng trai Tày mê OCOP
- Thứ tư - 22/01/2020 09:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lường Đình Hùng luôn nung nấu quyết tâm tạo sinh kế cho bà con nông dân trong xã bằng việc xây dựng sản phẩm OCOP. |
Từ bỏ nghề giáo viên êm đềm ở chốn phố thị, anh Lường Đình Hùng (sinh năm 1989), chàng trai người Tày ở xã Như Cố (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) trở về với bản làng, táo bạo khởi nghiệp bằng việc thành lập HTX nông nghiệp dành cho thanh niên trong xã.
Ước vọng của anh, trước hết là thay đổi tư duy, cách nghĩ, lề lối sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho bà con nông dân trong xã thông qua việc khai thác theo chuỗi giá trị nông sản của địa phương.
Hoài bão cho quê hương
Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên năm 2012, Hùng từng được nhận vào dạy học tại một trường trung học ở Hà Nội, sau đó anh chuyển về công tác giảng dạy tại huyện nhà Chợ Mới.
Tuy nhiên, những ấp ủ phải làm được điều gì đó tại chính miền quê nghèo xã Như Cố, nơi anh sinh ra và lớn lên chưa bao giờ tắt trong trái tim của chàng thanh niên giàu nhiệt huyết.
Trong những khoảng thời gian rảnh rỗi, Hùng đã tranh thủ đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế từ nông nghiệp, nhất là các điển hình xây dựng sản phẩm OCOP ở nhiều nơi trên cả nước.
Năm 2017, anh quyết định giã từ sự nghiệp dạy học, về đảm nhận Bí thư đoàn thanh niên của xã Như Cố. Từ những ý tưởng ấp ủ, cộng thêm phong trào khuyến khích xây dựng HTX trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, Lường Đình Hùng đã mạnh dạn thành lập HTX Thanh niên Như Cố với 11 thành viên, chủ yếu là đoàn viên thanh niên trong xã.
Như Cố là xã vùng cao của huyện Chợ Mới, có độ cao trung bình gần 1.000m, khí hậu mát mẻ trong lành, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm khá lớn, cùng với những triền đồi trải dài, rất thích hợp cho cây chè.
Điều kiện đất đai, khí hậu của Như Cố rất thích hợp trồng chè. |
Giống chè Trung du là giống truyền thống của nhiều tỉnh vùng Việt Bắc, cũng là cây trồng truyền thống của đồng bào người Tày ở xã Như Cố. Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong xã du nhập thêm những giống chè mới chất lượng tốt hơn từ vùng chè Thái Nguyên. Nhờ đó, diện tích chè của xã Như Cố có thời điểm đã được mở rộng lên trên 100ha.
Cây chè ở Như Cố được bao bọc, ẩn mình bên những cánh rừng nguyên sinh mát mẻ quanh năm, mang hương vị ngọt ngào của núi rừng, chát nhẹ, luyến lưu người uống. Thế nhưng do manh mún, không được tiếp cận với kỹ thuật thâm canh, năng suất chè của xã Như Cố ngày càng giảm.
Ý tưởng phải khôi phục lại cây chè của xã là điều mà Lường Đình Hùng trăn trở từ lâu. Đó cũng là một trong những hoạt động trọng tâm mà HTX Thanh niên Như Cố tập trung bắt tay vào triển khai kể từ khi thành lập. Tuy nhiên để bắt đầu từ đâu, thì là điều không dễ.
Hùng tâm sự: Thực tế, địa phương cũng đã có không ít chương trình hướng dẫn kỹ thuật thâm canh chè cho bà con, nhưng mấu chốt để nông dân mặn mà với cây chè, vẫn phải là nâng cao giá trị cho cây chè. Muốn thế thì phải gắn với chế biến, tiêu thụ.
Chắp cánh cho hương chè Như Cố
Năm 2018, HTX Thanh niên Như Cố đã quyết định đầu tư nhà xưởng chế biến chè trên diện tích hơn 200 m2, với hệ thống lò sấy, máy vò, máy đóng gói, hút chân không...
Cây chè ở Như Cố đang dần được hồi sinh. |
Đến đầu năm 2019, cơ hội đến với HTX khi chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ đầu tư thêm cho HTX một hệ thống lò sấy chè xanh hiện đại, công nghệ Đài Loan. Không có kiến thức về công nghệ chế biến chè, Lường Đình Hùng phải tự thân học hỏi, đi thực tế để nắm bắt tỉ mỉ những kỹ thuật, từ yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, kỹ thuật vò, sấy, lên men, lấy hương...
Lường Đình Hùng cũng đích thân thiết kế mẫu mã bao bì, thuê đơn vị triển khai SX tem nhãn, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trà xanh của HTX với thương hiệu đặc sản Trà Như Cố. Anh liên hệ với nhiều trang web thương mại điện tử để đặt gian bán hàng trực tuyến... Các lô sản phẩm khi đưa vào chế biến đều được HTX gửi mẫu kiểm định, đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định.
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm xưởng chế biến chè của HTX Thanh niên Như Cố khi nhiều khách hàng trong và ngoài địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng đang nhộn nhịp tới đặt hàng, mua sản phẩm Trà Như Cố làm quà biếu dịp Tết, có người còn đặt làm quà biếu sang cả nước ngoài.
Đích thân bàn tay Lường Đình Hùng sao chè, đóng chè. Anh phấn khởi cho biết mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động, tuy nhiên năm 2019, HTX đã thu mua chè tươi nguyên liệu với số lượng khá lớn cho bà con trong xã với sản lượng bình quân (lúc chính vụ) khoảng 500kg/ngày, giá thu mua bình quân từ 14-15 nghìn đồng/kg.
Nhờ gắn với chuỗi chế biến, tiêu thụ, chè Như Cố dẫn đã có “tên tuổi”. |
Trước đây, người trồng chè trong xã phải tốn nhiều công sức để trực tiếp chế biến chè, tuy nhiên giá bán chè khô lại luôn phải phụ thuộc vào thương lái. Giá chè khô năm cao người dân chỉ được thương lái thu mua từ 100-120 nghìn đồng/kg, có năm chỉ 50-70 nghìn đồng/kg thì nay, nhờ có HTX Thanh niên Như Cố thu mua chè tươi nguyên liệu, nông dân đã tăng được giá bán chè lên từ 20-30% so với trước đây, đồng thời không phải mất công sao sấy chè như trước.
“Hiện chè xanh chế biến, đóng gói của HTX được bán qua nhiều kênh như các trang thương mại điện tử, bán hàng online, các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh, các điểm dừng đỗ... với giá trung bình 300 nghìn đồng/kg. Chè làm ra tới đâu bán hết tới đó” – Lường Đình Hùng phấn khởi.
Hùng cho biết từ năm 2020, với sự hỗ trợ của các cơ quan địa phương, HTX Thanh niên Như Cố sẽ phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai dự án thâm canh chè tập trung với diện tích 10ha tại xã Như Cố, gắn với chế biến, tiêu thụ. Đây sẽ là bước đi mở ra tương lai mới cho cây chè Như Cố trong tương lai.
Đánh thức ruộng đồng Như Cố gần với cực nam của tỉnh Bắc Kạn, giáp với tỉnh Thái Nguyên, nơi hội tụ của điệp trùng núi rừng đại ngàn Việt Bắc đổ về. Địa bàn xã Như Cố có các con suối nhỏ tạo thành dòng suối Nhì Cà, một phụ lưu tả ngạn của sông Cầu. Nguồn sinh thủy dồi dào, giúp xã có 3 hồ chứa, 9 đập nước và 1 trạm bơm, hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa trên 80%. Thiên nhiên ưu đãi cho Như Cố với những con suối trong leo lẻo, mải miết chảy quan năm, những cánh đồng lúc nào cũng có dòng nước mát nuôi dưỡng...
Với lợi thế ấy, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, HTX Thanh niên Như Cố ra đời như một luồng gió mới đánh thức ruộng đồng của đồng bào người Tày nơi đây. Vụ đông năm 2019-2020, lần đầu tiên, HTX Thanh niên Như Cố đã đứng ra ký hợp đồng tổ chức liên kết SX với nông dân trong xã, tiêu thụ 100% sản phẩm cho bà con với đối tác là Cty ORION với diện tích trên 5,2ha khoai tây. Chưa có vụ đông năm nào, ruộng đồng ở Như Cố lại được phủ kín một màu xanh bạt ngàn khoai tây như năm nay... Với định hướng gắn với chuỗi giá trị từ SX tới chế biến, tiêu thụ, không chỉ có cây chè, từ năm 2018 đến nay, HTX Thanh niên Như Cố đã đưa nhiều nông sản tại địa phương thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Chè mướp đắng rừng, mật ong hoa rừng Như Cố cũng đã được UBND tỉnh Bắc Kạn công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. HTX thành lập ra nhiều tổ hợp tác, mỗi tổ phụ trách phát triển một sản phẩm như: Tổ sản xuất tiêu thụ rau an toàn; tổ SX chế biến chè; tổ chế biến mật ong; tổ chăn nuôi; tổ SX bún khô... HTX hiện đã bước đầu đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích trên 1.000 m2 để trồng dưa lưới chất lượng cao. HTX cũng thu mua, chế biến mướp đắng (sản phẩm trà mướp đắng); chế biến đóng chai, tiêu thụ trên 700 lít mật ong (của bà con nuôi tự nhiên trong xã) với giá cao... Năm 2019, tổng doanh thu từ các sản phẩm nông sản của xã Như Cố thông qua chuỗi chế biến sâu, gắn với tiêu thụ HTX đạt gần 4 tỉ đồng, lợi nhuận gần 500 triệu đồng... Mới đây, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ đối với một số loại sản phẩm nông sản chế biến với hệ thống siêu thị BigC tại Hà Nội. |