Định hướng sản phẩm chè OCOP
Ông Vũ Văn Mác, Thường trực Văn phòng nông thôn mới Đồng Hỷ, cho biết: Trong các sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện xác định cây chè là chủ đạo. Hiện, tổng diện tích chè của Đồng Hỷ đạt 3.600,75 ha, trong đó, chè đang kinh doanh 3.110,6ha, sản lượng 38.025 tấn/năm. Đặc biệt, năm 2018, Đồng Hỷ tập trung chỉ đạo, duy trì diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP tại các xã Minh Lập, Hoà Bình, Văn Hán, Khe Mo và thị trấn Sông Cầu.
Được biết, giai đoạn 2019 – 2025, Đồng Hỷ tiếp tục lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 3 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp để phát triển thành sản phẩm OCOP là chè Đồng Hỷ; mật ong Phúc Thành, xã Hoá Trung; miến dong Việt Cường, xã Hoá Thượng. Lựa chọn, củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hiện có của địa phương, tham gia chương trình OCOP.
Giai đoạn 2021 – 2025, tập trung củng cố các thành quả đã đạt được từ 2019 - 2020; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Bằng những bước đi vững chắc, bài bản và có kế hoạch, chắc chắn, chè Đồng Hỷ sẽ là sản phẩm OCOP bền vững, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, làm giàu cho người dân địa phương.
Muốn làm giàu, vào HTX
Bà Nguyễn Thị Tuyết, một trong những hộ dân nằm trong vùng chè Trại Cùi nổi tiếng của xã Minh Lập, cho biết, bà có 1ha chè, canh tác ổn định trên 30 năm nay. Song, phải đến năm 2012, bà mới gia nhập HTX, và tham gia sản xuất chè VietGAP từ bấy đến nay.
Được biết, xã Minh Lập là vùng đất bãi, xen đất đồi, thích hợp với giống chè trung du, chè giống mới (chè lai) Kim Tuyên, LDP1. Đây chính là loại chè làm nên thương hiệu “chè Thái Nguyên” nhiều thập kỷ qua. Ngoài ra, bà con Đồng Hỷ còn có chè Bát Tiên, Keo, PH, là những giống chè mới lai tạo sau này.
Hiện, thị trường ưa chuộng giống chè lai, vì xanh nước, có hương thơm, năng suất cao; phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Do vậy, bà Tuyết vẫn trồng cả 3 loại chè trên, theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Theo đó, với 1ha chè VietGAP, bán với giá 250.000 đồng/kg, bà Tuyết thu nhập 810 triệu đồng/năm. Trừ chi phí (trong đó phải thuê 3 nhân công, bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, làm việc trong 7 tháng/năm), thu lãi 300 triệu đồng/năm.
Tương tự như bà Tuyết, bà Âu Thị Thẻ (xóm Na Long, xã Hán Trung) tham gia HTX năm 2014, có 0,8ha đất đồi; bà Trần Thị Tuyết Nhung có 0,6ha, tất cả đều chuyển sang sản xuất chè VietGAP từ nhiều năm qua.
Các hộ thành viên của HTX cho biết, từ khi vào HTX đến nay, được hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, mỗi năm 2 -3 khoá. Nhất là tập huấn về cách sao, chế biến chè, nên cánh đẹp và có mùi thơm, do đó giá bán cũng cao hơn, đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg. Trong khi đó, trước đây, do canh tác theo phương thức truyền thống, chè chỉ có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tuyết Nhung, cho biết: “HTX thành lập năm 2012, với 25 thành viên, sản xuất 15ha chè VietGAP; phấn đấu giai đoạn 2019 - 2025 đạt 25ha. Hiện, hàng tháng, Chi cục Quản lý Chất lượng đo lường tỉnh Thái Nguyên đều về lấy mẫu kiểm tra, đủ điều kiện mới cho xuất xưởng. Công việc này được thực hiện từ năm 2012 đến nay, chưa có sai sót gì, đây cũng là đơn vị được dán tem truy xuất nguồn gốc đầu tiên của Thái Nguyên.
Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Dương, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Đây cũng là những khách hàng “chung thuỷ” của HTX từ bấy đến nay. Không dừng lại ở đây, HTX đang tích cực xúc tiến việc tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu”.
Điều đáng ghi nhận là, tuy thời gian thành lập chưa lâu, song HTX đã đạt Giải Nhất (Cúp Vàng), “Giải Búp chè vàng năm 2015”; Giải nhì (Cúp Bạc), “Giải Búp chè vàng năm 2013” của tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, còn đạt các giải như: Sản phẩm Nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp Quốc gia.