Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP):Giải pháp phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện
- Thứ ba - 20/11/2018 03:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, hiện cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm có 2.584 sản phẩm; đồ uống có 1.041 sản phẩm; thảo dược có 231 sản phẩm; vải may mặc có 186 sản phẩm; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí có 580 sản phẩm; dịch vụ du lịch có 201 sản phẩm. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đầu có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Phát biểu khai mạc tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn đã có nhiều thay đổi rõ nét, lĩnh vực hạ tầng như: giao thông, các công trình công cộng phúc lợi, điện, đường, trường, trạm…đã được đầu tư, nâng cấp và phát huy tác dụng. Hơn 20.000 mô hình phát triển sản xuất đã tạo nên động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tính đến nay, toàn quốc đã có 3.595 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,3%), 56 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn, nhiều địa phương bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tham gia thảo thuận tại buổi Hội thảo, phần lớn các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ thì việc triển khai OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào thực chất, bền vững, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Việc tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý từ các nước đã triển khai chương trình này: Thái Lan, Nhật Bản. Từ đó giúp Việt Nam triển khai thực hiện OCOP hiệu quả, thực chất hơn.
Theo Khắc Nam/tuoitrethudo.com.vn