Chương trình OCOP: Tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn

Chương trình OCOP: Tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn
“Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Hiện, Chương trình đang được các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội triển khai rất tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Sản phẩm sơn mài Duyên Thái, Thường Tín. Ảnh: Diệu Anh

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, TP. Hà Nội đã và đang tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn.

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 305 làng nghề đã được công nhận làng nghề truyền thống, chiếm khoảng 60% tổng số làng nghề của cả nước. Các làng nghề đa dạng loại hình và phong phú về sản phẩm, được phát triển theo nhiều nhóm nghề khác nhau như chế biến lâm sản, nông sản, sơn mài, khảm trai, mây tre, giang đan, thêu ren, cơ khí, kim khí, điêu khắc, may mặc, sinh vật cảnh...

Trong đó, có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn liền với văn hóa nông thôn được lưu giữ gần như nguyên vẹn và phát triển thành nghề trong cộng đồng dân cư như: Sản xuất đồ gỗ ở xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); các sản phẩm mỹ nghệ làm từ mây, tre ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nghề gốm sứ ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm)...

Điển hình như xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có hàng nghìn hộ làm nghề gốm sứ, doanh thu từ sản xuất của cả xã ước đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, sản phẩm gốm sứ của công ty 90% là xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động...Nhờ đó, đời sống người dân nông thôn cũng được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản có chất lượng, giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Ðại Thành, khoai lang Ðồng Thái, rau muống tiến vua Sen Chiểu, ổi Ðông Dư…

Hiện Hà Nội có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)...

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, làng nghề và nông sản đặc sản chính là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) hiệu quả gắn với 2 mục tiêu cốt lõi thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương

Triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội dự kiến nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt “sao” theo quy định. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đưa 1.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thành phố sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức diễn đàn kết nối giao thương; đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia Chương trình OCOP.

Để thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, mới đây Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Thành phố xây dựng Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Hà Nội. Mục tiêu của chương trình này là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm làng nghề, nông nghiệp hiện có, đồng thời củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 10 đến 20 làng văn hóa, làng nghề du lịch..

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai khảo sát lựa chọn nhóm sản phẩm, địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Sở Công Thương sẽ khảo sát lựa chọn vị trí địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm Chương trình OCOP tại khu vực các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; các trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; các cửa hàng trong khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; các khu vực làng nghề truyền thống; các khu trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện, cấp xã, các điểm công nghiệp; các trung tâm hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Khảo sát lựa chọn các sản phẩm bảo đảm hạng “3 sao” trở lên theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại sản phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, vải, may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng Chương trình OCOP…

Ðể phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị bền vững, trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương, ngoài việc sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Hà Nội cũngcần tiếp tục hỗ trợ phát triển các nhóm hàng nông sản, xây dựng hệ thống truy xuất sản phẩm; tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các địa phương chú trọng tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cán bộ, nông dân tích cực tham gia OCOP...

Theo Diệu Anh/thanglong.chinhphu.vn