Đột phá từ cây phúc bồn tử đổi màu đỏ – đen

Đột phá từ cây phúc bồn tử đổi màu đỏ – đen
Từ thử nghiệm thành công các loại rau xà lách hữu cơ, chủ nhân Nguyễn Văn Hà chọn lọc quy trình và chuyển sang ứng dụng xây dựng trang trại phúc bồn tử đổi màu đỏ - đen dưới chân núi LangBiang gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Kết quả cho thấy, không chỉ tạo ra bước đột phá thu nhập, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho cộng đồng địa phương.

trai-phuc-bon-tu-den-huu-co-o-lac-duong-dang-co-loi-the-canh-tranh-tren-thuong-truong-2.JPG
Trái phúc bồn tử đen hữu cơ ở Lạc Dương đang có lợi thế cạnh tranh tích cực trên thương trường trong nước so với sản phẩm cùng loại nhập về từ châu Âu.

Hành trình bén duyên với cây hữu cơ

Một ngày cuối tuần tháng Giêng Kỷ Hợi 2019, phóng viên vượt lên mấy vòng dốc đường nhựa của thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đặt chân đến trang trại phúc bồn tử 2 màu đen - đỏ đạt chuẩn hữu cơ dưới chân núi LangBiang. Chủ trang trại Nguyễn Văn Hà, tuổi tiệm cận sáu mươi sôi nổi kể chuyện khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ với phóng viên sau cái bắt tay gặp mặt lần đầu.

Gốc gác thị dân Đà Lạt, hơn hai mươi năm trước, ông Hà tìm vào khu vực nông nghiệp dưới chân núi LangBiang sang nhượng đất làm nông dân chuyên canh cà phê. Lần lượt ông mua được quyền sử dụng đất mấy hecta cà phê triền dốc xuống dưới thung sâu thuộc tổ dân phố Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương bây giờ. Những vụ mùa cà phê nối tiếp đi qua với lối canh tác cũ, lạm dụng nhiều phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học, nông dân Hà nhận ra rằng, dự báo thiếu bền vững môi trường tự nhiên và xâm hại môi trường trong lành của người sản xuất đang ngày càng hiện rõ. Trong điều kiện khó khăn lúc đó, ông vẫn cố gắng giảm dần nguồn vật tư nông nghiệp vô cơ, chấp nhận năng suất cà phê thấp; kết hợp với trồng những hàng cây xanh bạch đàn để góp phần điều hòa không khí dịu mát trong khu vực sản xuất của mình.

Mãi đến thời điểm đầu năm 2017, ông Hà mới có cơ hội chuyển đổi 3.000m2 cà phê già cỗi để xây dựng nhà kính, đưa vào sản xuất rau xà lách theo quy trình hữu cơ. Những lứa rau hữu cơ “đầu tay” không tránh khỏi thất bát, nhưng ông vẫn kiên trì tích lũy kinh nghiệm rồi dần dần hoàn thiện, khoảng hơn một năm mới có thành quả đưa ra thị trường.

Ông Hà nhớ lại: “Xà lách hữu cơ của gia đình trồng tại Đăng Gia Rít B, thị trấn Lạc Dương, khi tuân theo thời gian sinh trưởng tự nhiên 70 ngày, có cây thu hoạch lá dày đặc trên cây cao đến hơn 1m. Cứ 1.000m2 thu hoạch 2.500kg, đưa về các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Giá xà lách hữu cơ cao hơn gấp 1,5 - 2 lần xà lách VietGAP cùng thời điểm. Sử dụng sản phẩm xà lách hữu cơ nhà kính của gia đình, nhiều khách hàng phản hồi khích lệ rằng đây chẳng khác gì như rau thực phẩm chức năng, phòng ngừa bệnh tật và bảo vệ an toàn sức khỏe…”.

Tuy nhiên, sản phẩm cây trồng hữu cơ của ông Hà xuất phát với cây cà chua tiếp đến rau xà lách chỉ tiêu thụ được 20% sản lượng; 80% còn lại trong vườn nhà kính 3.000m2, cây sinh trưởng từ màu lá xanh non đến xanh thẫm rồi ngả màu vàng héo rũ chết già, cộng lại thời gian khoảng 70 ngày sau khi xuống giống trồng.

Từ đây, ông Hà phát hiện quá trình sinh trưởng đối ngược giữa trồng rau hữu cơ và rau vô cơ. Như rau xà lách trồng theo quy trình hữu cơ thu hoạch lá tươi non 40 ngày sau khi trồng thì thời gian này lại rút xuống còn 20 - 25 ngày trồng phương pháp vô cơ. Còn chăm sóc xà lách hữu cơ nhằm bổ sung vi sinh cải tạo đất thoáng khí, giúp rễ cây hút nhiều chất dinh dưỡng nuôi cành lá khỏe mạnh, tăng cường đề kháng các loại bệnh hại. Trong khi đó, xà lách vô cơ thường “gồng mình uống thuốc” kích thích tăng trưởng, tế bào của cây bị phá vỡ, tạo khoảng trống cho sâu bệnh xâm nhập, lây nhiễm từ khu vườn này đến khu vườn khác. Đến lúc cấp báo diệt trừ bệnh hại buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật liều cao, hệ quả gây ra mất cân bằng sinh thái môi trường xung quanh, khiến từng thớ đất suy kiệt, chai cứng rồi trở lại “điệp khúc” sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng cho cây rau cho vụ mùa mới…

Đạt 1.000 tiêu chí hữu cơ của Nhật

Tiếp cận, nhận diện được xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, giữa năm 2017, trong lúc đang chuẩn bị trồng xà lách hữu cơ vụ mùa mới, ông  Hà được tiếp nhận nguồn cây giống phúc bồn tử thân trơn (không có gai) cho trái 2 màu đen và đỏ của một người quen mang về từ châu Âu, nên quyết định xuống giống trồng trên 3.000m2 nhà kính. Và như vậy, cây xà lách hữu cơ phải chuyển đổi kế hoạch ngoài dự kiến để nhường 3.000m2 nhà kính cho cây phúc bồn tử đen và đỏ chính thức định canh dưới chân núi LangBiang lúc này. Vừa chăm sóc vừa nhân giống tại chỗ, một năm sau, ông Hà đã mở rộng thành trang trại phúc bồn tử 2 màu đen - đỏ với tổng diện tích nhà kính khoảng 25.000m2.

mot-goc-trang-trai-phuc-bon-tu-do-va-den-dat-tieu-chuan-huu-co-nhat-ban-duoi-chan-nui-langbiang-1.JPG

Đến trang trại phúc bồn tử của ông Hà dịp đầu Xuân, phóng viên được nhìn cận cảnh từng cây con, chồi non, lộc biếc đến cây trưởng thành kinh doanh, hoa nở trắng xanh và đặc biệt là những chùm trái khoe sắc màu đen và đỏ căng đầy. “Ở đây có 2 giống cây phúc bồn tử trái đen và trái đỏ xen lẫn với nhau. Lúc trái non thì màu sắc cả 2 giống đều màu xanh nhạt rồi chuyển dần sang màu đỏ hồng như phép màu. Khi trái chín chuyển sang màu đen bóng là giống phúc bồn tử đen và màu đỏ sẫm là giống phúc bồn tử đỏ…”, chủ trang trại Nguyễn Văn Hà giới thiệu.

Phóng viên tự tay hái xuống và thưởng thức trong vườn lần lượt hai loại trái phúc bồn tử đen và phúc bồn tử đỏ, mỗi thứ cảm nhận một hương vị hỗn hợp ngòn ngọt, chua chua, đăng đắng, thơm lừng… khá lôi cuốn. Vào thời điểm qua rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, ông Hà tiết lộ, giá bán phúc bồn tử đen tại trang trại hữu cơ của mình là 900.000 đồng/kg. Trong khi giá phúc bồn tử đen nhập từ nước ngoài về bán trong hệ thống siêu thị trong nước lên đến 2,5 triệu đồng/kg. Còn giá phúc bồn tử đỏ thì giá thấp hơn khoảng một nửa. Trong ngày phóng viên đến, trang trại ông Hà bán ra 200kg trái phúc bồn tử đen và 100kg trái phúc bồn tử đỏ. Bên cạnh đó, ông Hà còn chế biến tại trang trại các sản phẩm rượu vang, nước cốt, kẹo chocolate, mứt, trà… từ nguyên liệu trái phúc bồn tử đen và đỏ, được tiêu thụ khá nhanh trên thị trường trong nước. Phần lớn đối tác khi vừa biết có trang trại phúc bồn tử đen - đỏ dưới chân núi LangBiang, đều tìm cách liên hệ để mua sỉ hoặc lẻ sản phẩm, nên thu hoạch và chế biến đến đâu, ông đều bán ra hết ngay đến đó.

“Trang trại phúc bồn tử 2 màu của chúng tôi có thị trường tiêu thụ ổn định, trước hết là nhờ chất lượng đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ từ Nhật Bản. Trước đó, phải qua thời gian hơn nửa năm, các chuyên gia người Nhật đến đây khảo sát, phỏng vấn nông dân trong và ngoài trang trại, kiểm định quy trình chất lượng sản xuất giống, vật tư, nguồn nước, đất, không khí… nghiêm ngặt với khoảng 1.000 tiêu chí khác nhau. Hơn nữa, sản phẩm phúc bồn tử đen - đỏ được sản xuất từ nguồn gốc giống chất lượng cao từ nền nông nghiệp châu Âu hiện đại, có đủ căn cứ khoa học để xác định các thành phần dược tính như ngăn ngừa vô sinh cho cả nam lẫn nữ, cải thiện chức năng não, hệ thống tim mạch, ngăn ngừa bệnh gút, làm chậm quá trình phát triển một số bệnh ung thư…”, chủ trang trại Nguyễn Văn Hà nói thêm rồi trở về khu vực chế biến lấy ra chai vang phúc bồn tử đen mời khách.

Hôm đó, đi cùng phóng viên khám phá và thưởng thức sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến từ phúc bồn tử ở đây còn có anh Hoàng Việt, Giám đốc một công ty giải pháp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Anh Việt nhận định: “Đây là trang trang trại thiết kế xây dựng và sản xuất bài bản theo quy trình hữu cơ của thế giới. Công ty chúng tôi tiếp tục trao đổi với trang trại để đưa sản phẩm phúc bồn tử tươi và chế biến trực tiếp sớm tiếp cận thị trường thế giới...”. 

Rời khu vực sản xuất, chủ trang trại phúc bồn tử đen - đỏ Nguyễn Văn Hà dẫn phóng viên và đối tác Hoàng Việt lên khu vực đang xây dựng showroom trên phần diện tích 2.000m2 để nghỉ chân. Tình cờ có thêm 2 khách của trang trại là 2 nông gia trồng atiso hữu cơ và rau bắp cải VietGAP đến từ Trại Mát, Đà Lạt.

Làm quen mới hay 2 nông gia này đại diện 2 hộ gia đình thành viên của HTX Nông nghiệp Minh Thọ Organic do chủ trang trại Nguyễn Văn Hà làm giám đốc. “HTX Minh Thọ Organic thành lập và đi vào hoạt động gần 2 năm, gồm 8 hộ gia đình thành viên sản xuất phúc bồn tử hữu cơ và các loại rau VietGAP với tổng diện tích khoảng 20ha. Trực thuộc HTX còn có 3 đơn vị: Công ty Dâu rừng LangBiang.F (Lạc Dương), Công ty Giống cây trồng hữu cơ (Đà Lạt) và Công ty Phân bón vi sinh (Đức Trọng)… “, chủ trang trại, Giám đốc HTX Minh Thọ Organic cho biết.

Dự kiến dịp 30/4/2019, showroom của HTX Minh Thọ Organic sẽ mở cửa trình diễn, cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, trao đổi và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất đạt chuẩn hữu cơ phúc bồn tử đen - đỏ nói riêng, các loại rau hữu cơ đặc trưng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nói chung. Bởi vậy, phóng viên hy vọng nơi đây sớm trở thành địa điểm xuất phát mới để nhân rộng cho  vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch canh nông dưới chân núi LangBiang nổi tiếng của cao nguyên Lâm Đồng.                           

Tác giả: Văn Việt
Nguồn tin: http://kinhtenongthon.vn/