Gạo hữu cơ giá cao vẫn được chuộng
- Chủ nhật - 07/01/2018 19:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vì vậy, người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn hơn khi mua gạo hữu cơ về đơn vị cung cấp, chủng loại, giá cả. Ngoài gạo, một số mặt hàng chế biến từ gạo hữu cơ đã ra thị trường phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Chọn gạo kỹ hơn
Bà Bùi Thị Kim Thoa, chủ một cửa hàng chuyên doanh thực phẩm không hóa chất trên đường Nguyễn Hoàng (quận 2, TP HCM), cho biết gần đây, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến gạo hữu cơ.
Gạo hữu cơ được bán ở Saigon Co.opmart Ảnh: TẤN THẠNH
"Trước đó, sự quan tâm chỉ mới dừng ở nhóm sản phẩm rau quả do nguy cơ cao bị nhiễm phân thuốc do ăn ngay. Còn cây lúa canh tác lâu ngày, gạo được nấu thành cơm trước khi ăn nên mọi người vẫn nghĩ là rất an toàn, không có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Nhưng khi có thông tin về việc gạo Việt xuất khẩu bị trả lại do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người tiêu dùng bắt đầu nhìn lại" - bà Thoa nói.
Theo bà Thoa, giá gạo hữu cơ có chứng nhận hiện khá cao so với thu nhập của người dân nên rất kén khách. Trong khi đó, các loại gạo canh tác theo hướng hữu cơ có giá từ 26.000 đồng đến 32.000 đồng/kg bán rất chạy do phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.
Theo khảo sát của phóng viên, giá gạo hữu cơ có chứng nhận quốc tế bán lẻ tại TP HCM ở các siêu thị, cửa hàng dao động từ 45.000-120.000 đồng/kg. Các sản phẩm gạo lứt, gạo đỏ, gạo tím… có giá cao nhất vì có tính năng hỗ trợ chữa bệnh nhưng thường bị chê là không ngon. Do vậy, tiêu thụ chính vẫn là các dòng gạo trắng hữu cơ, nấu lên cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ, phù hợp với bữa ăn hằng ngày. Một số thương hiệu gạo hữu cơ có chứng nhận đang bán trên thị trường hiện nay như: gạo Trung An, gạo hữu cơ nhãn riêng của Saigon Co.op, gạo Hoa Sữa, gạo Eco, gạo Orgagro…
Theo cập nhật trên website của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì Việt Nam có 8 đơn vị được cấp chứng nhận hữu cơ cho mặt hàng gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo. Tuy nhiên, một số đơn vị chỉ chuyên xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn lấy chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn khác như Nhật Bản, châu Âu hoặc của Liên đoàn Quốc tế về phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM).
Chị Nguyễn Thùy Linh (nhân viên văn phòng, ngụ quận 1, TP HCM) cho rằng với người có thu nhập cao thì trong cơ cấu bữa ăn, số tiền dành cho gạo không nhiều nên sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua gạo hữu cơ.
Đại diện hệ thống cửa hàng chuyên doanh thực phẩm hữu cơ Organic cho biết ngoài gạo, gần đây còn có thêm bánh tráng hữu cơ, bún hữu cơ, hủ tiếu hữu cơ… được chế biến từ gạo hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng.
Tại một hội thảo về thực phẩm mới đây, một số DN trong lĩnh vực chế biến như cháo tươi ăn liền, bánh gạo… đã nêu kế hoạch phát triển dòng sản phẩm hữu cơ và mong muốn tìm nhà cung cấp gạo hữu cơ phù hợp. Trong đó, nhóm bánh gạo hữu cơ chủ yếu phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu.
Vì sao gạo hữu cơ lại mắc?
GS-TS, nhà nông học Võ Tòng Xuân cho biết ông vừa đi cùng một nhà bán lẻ đến làm việc với một HTX nông nghiệp để bàn về liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Theo đó, sản xuất lúa hữu cơ không được dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; phải xây dựng vùng cách ly, đập ngăn nước bên ngoài để khỏi ảnh hưởng đến khu vực sản xuất. Để làm được như vậy thì rất tốn kém; dự tính năng suất lúa 4,5 tấn lúa/ha thì chi phí giá thành gạo đã lên đến 32.000 đồng/kg.
Để khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa hữu cơ, nhà bán lẻ phải mua lúa giá cao, đem về chế biến đóng gói có giá thành cao, người tiêu dùng khó chấp nhận. Do đó, các bên còn phải tiếp tục làm việc để tổ chức sản xuất sao cho hợp lý. GS Võ Tòng Xuân đề nghị cần có tổ chức nhà nước đứng ra thử nghiệm mô hình trồng lúa hữu cơ để có quy trình sản xuất chuẩn, sau đó nhân rộng ra.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), DN có 100 ha lúa được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của IFOAM thì giá bán lẻ gạo hữu cơ có chứng nhận ở mức 45.000-50.000 đồng/kg là đang "hỗ trợ người tiêu dùng" chứ chưa có lời.
"So với gạo sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP thì năng suất gạo hữu cơ chưa bằng một nửa nên giá thành cao hơn. Ngoài ra, khi nói đến gạo hữu cơ, cần nói đến cả chuỗi từ đồng ruộng, kho chứa đến nhà máy chế biến đều phải đạt chuẩn hữu cơ. Gạo hữu cơ không được xông trùng nên sẽ bị mọt nhanh hơn" - ông Bình phân tích.
Không chỉ gạo bán trong nước mà giá xuất khẩu gạo hữu cơ cũng chênh lệch rất lớn so với gạo thường, phổ biến là gấp 2-3 lần.
Từ lúa - tôm đến lúa - tôm hữu cơ
Tại Việt Nam có một loại gạo hữu cơ được sản xuất từ vùng lúa tôm ở Trà Vinh đã được chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đây là mô hình liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông), trong đó có 2 DN tham gia là Công ty Ecotiger (gạo Eco) và Công ty Viorsa.
Từ 50 ha diện tích tham gia từ năm 2015, mô hình dự kiến tăng lên 1.250 ha vào năm 2019. Vào năm 2017, lúa hữu cơ được DN thu mua cao hơn lúa thường 55%, lãi cao hơn, bình quân 40 triệu đồng/ha. Trường hợp nuôi xen canh thủy sản với lúa do không sử dụng thuốc hóa học, nông dân có thể có thêm những loài thủy sản từ sông lớn vào như tôm đất, tép, cá kèo, cá đối, thả xen canh tôm càng xanh, cua… làm tăng thêm thu nhập 15-20 triệu đồng/vụ/ha. Ngoài ra, còn có hiệu quả an toàn về môi trường, bảo đảm sức khỏe con người và động vật.