Hội nghị triển khai Đề án Chương trình OCOP, giai đoạn 2017-2020

Hội nghị triển khai Đề án Chương trình OCOP, giai đoạn 2017-2020
Ngày 4/7, tại TP Hạ Long, đã diễn ra Hội nghị triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2017-2020. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, 14 huyện, thị xã, thành phố và 186 xã, phường trong toàn tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

Trong 3 năm qua, từ một số ít sản phẩm truyền thống, Quảng Ninh đã phát triển 210 sản phẩm, tất cả đều là sản phẩm hàng hóa, có giá trị, được thị trường đón nhận. Tỉnh cũng phát triển được 180 tổ chức sản xuất là các HTX kiểu mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại. Kết quả trong triển khai Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá là cách làm rất đúng đắn, được Chính phủ khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc.

 

Báo cáo những kết quả đạt được trong giai đoạn 1, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ OCOP tỉnh, giai đoạn 2017-2020 khẳng định: Tuy nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương nhưng thời gian qua tỉnh rất chú trọng, quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Chương trình OCOP mà tỉnh đã thực hiện trong giai 2013 - 2016 là một bước đi quan trọng.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý: Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng chương trình OCOP giai đoạn 1 vẫn còn nhiều hạn chế như công tác chỉ đạo của một số ngành, địa phương chưa tâm huyết, thậm chí nhiều lãnh đạo coi đây là chương trình nhỏ nên chưa thực sự vào cuộc. Vấn đề kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế; sản phẩm ra thị trường còn ít do sản lượng chưa đảm bảo; trình độ quản lý, quản trị của các tổ chức kinh tế còn nhiều khó khăn; vấn đề phát triển các HTX, liên minh HTX còn chưa chặt chẽ...

 

 

Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khai mạc hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để chương trình OCOP tiếp tục đạt được phát huy, trên cơ sở mặt được và chưa được của giai đoạn 1, UBND tỉnh đã xây dựng, phê duyệt và cho triển khai Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2 (2017- 2020). Mục tiêu của giai đoạn này là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, trong đó có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

 

Cụ thể: Toàn tỉnh phấn đấu đạt 250 sản phẩm được đăng ký OCOP (bao gồm hoàn thiện 130 sản phẩm đã có, phát triển mới 120 sản phẩm), trong đó có 12 sản phẩm cấp tỉnh; đưa 6 sản phẩm cấp tỉnh đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia. Mỗi địa phương lực chọn ít nhất 2 sản phẩm (phấn đấu 31 sản phẩm) để tạo vùng sản xuất tập trung và xây dựng nâng cao thương hiệu. Bên cạnh đó, phấn đấu phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, nâng tổng số tổ chức kinh tế thêm gia OCOP lên 200 đơn vị.

 

Đồng chí Nguyễn Đức Long khẳng định: Quan điểm chính của tỉnh trong giai đoạn này là người dân, doanh nghiệp, HTX chủ động mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đạt chuẩn, được thị trường đánh giá cao, nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập của người dân; nhà nước có vai trò hỗ trợ không làm thay. Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương phải tập trung vào 5 vấn đề. Trong đó đưa và coi chương trình OCOP là chương trình kinh tế, như vậy trong vận hành phải tôn trọng và theo quy luật của thị trường. Nếu làm tốt việc này sẽ hỗ trợ cho chương trình tái cấu trúc tỉnh, nhất là về nông nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó tập trung phát triển khối kinh tế tập thể và doanh nghiệp vừa và nhỏ; khai thác thế mạnh của tỉnh ở tất cả các vùng miền; nhất định đưa sản phẩm tham gia cạnh tranh trong nước và quốc tế để biết mình đang đứng ở đâu, đồng thời chú trọng xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP phải tốt. Đồng chí nhấn mạnh mục tiêu cụ thể đến hết 2020 phải phấn đấu có 120 sản phẩm mới, nhất thiết phải chọn được sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh và có sản phẩm quốc gia để tạo nên thương hiệu quả tỉnh, theo đúng mục tiêu đề ra.

 

 

Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh là Trưởng BCĐ OCOP giai đoạn 2017-2020

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Những địa phương nào tâm huyết, năng động thì chương trình OCOP mới phát triển mạnh. Thực tế triển khai thời gian qua tại các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế nhất là cải cách hành chính, thủ tục hỗ trợ người dân. Nhiều thủ tục hỗ trợ còn chưa sát thực tiễn do trình độ, cách nắm bắt của người lãnh đạo; công tác quản lý, quản trị có nơi triển khai chưa đồng bộ, sản xuất còn nhỏ lẻ do chưa đảm bảo vùng nguyên liệu… Chính vì vậy, sản phẩm OCOP chưa ra khỏi phạm vi tỉnh, nhiều sản phẩm mới dừng ở mức sản xuất hộ gia đình, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn…

 

Trong giai đoạn 2 của chương trình, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về chương trình OCOP, phải coi đây là một chương trình kinh tế. Từ đó có sự lãnh đạo chỉ đạo nghiêm túc trong hệ thống chính trị, kiện toàn công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến xã, phường, cử cán bộ chuyên trách chương trình này để đảm bảo tính thống nhất, chuyên sâu và lồng ghép nhiều chương trình lớn như Chương trình Xây dựng NTM, Chương trình 135... Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP của địa phương mình. Mỗi địa phương cũng phải xác định điểm nhấn, điểm riêng có trong thực hiện chương trình để từ đó đầu tư có chọn lọc cho sản phẩm chủ lực của địa phương...

 

 

Quang cảnh hội nghị triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm, giai đoạn 2017-2020.

 

Liên quan đến công tác tuyên truyền, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan truyền thông cần nhấn mạnh những lợi ích thiết thực của chương trình để cả hệ thống chính trị, cộng đồng cùng vào cuộc. Các địa phương, ngành cần tập trung hoàn chỉnh hệ thống văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình; rà soát chính sách để ban hành cơ chế riêng phù hợp; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, cán bộ, nhân dân tham gia chương trình, trong đó chú trọng rõ người, rõ việc.

 

Đồng chí nhấn mạnh: Chương trình OCOP giai đoạn 2 phải rà soát lại sản phẩm để củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu có 30-31 sản phẩm cấp tỉnh, 6 sản phẩm cấp quốc gia, đồng thời các sản phẩm phải gắn với đảm bảo VS ATTP, bảo vệ môi trường nông thôn. Tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là tại các siêu thị lớn trong tỉnh như Vinmart, BigC… và tiến tới mỗi địa phương sẽ tổ chức các hội chợ tiêu thụ sản phẩm cho chính mình; nâng cấp quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh. Do đây là chương trình lớn vì vậy các địa phương phải nhìn nhận lại chương trình của mình từ xã, phường, thị trấn, tìm ra sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển. Cán bộ từ tỉnh đến cơ sở phải tâm huyết, năng động và coi đây là nhiệm vụ chính trị để phát triển chương trình.

 

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Trần Văn Ơn (đơn vị tư vấn OCOP) giới thiệu những nội dung chính trong đề án OCOP, giai đoạn 2017-2020. Trong đó mục tiêu chính là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các hiệp định AEC, AFTA, TPP; xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và dần từng bước trên thị trường quốc tế. Một số đại biểu cũng đã có những tham luận, trao đổi về kinh nghiệm tham gia chương trình OCOP cũng như đề xuất những kiến nghị để nâng cao tính hiệu quả của chương trình.


 Việt Hoa

 Báo QN