Làm giàu từ sản phẩm OCOP

Làm giàu từ sản phẩm OCOP
Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của hội phụ nữ các cấp. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện chuyển giao KHKT, đưa nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình kinh tế gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho chị em vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả, mà còn góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương.

Ngay từ cuối năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ tiến hành rà soát các gia đình hội viên, phụ nữ nghèo để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất cụ thể. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền chị em chủ động phát triển các mô hình kinh tế gia đình phù hợp với định hướng kinh tế của địa phương, ưu tiên gắn với phát triển các sản phẩm OCOP như: Gà Tiên Yên; trà hoa vàng Ba Chẽ; rau an toàn Quảng Yên; củ cải Đầm Hà…

Cán bộ phụ nữ huyện Ba Chẽ trao đổi với chị Triệu Thị Dung (bên trái), thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn về kỹ thuật chăm sóc cây trà hoa vàng.
Cán bộ Hội LHPN huyện Ba Chẽ (phải) trao đổi với chị Triệu Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Loỏng Toỏng (xã Thanh Sơn) về kỹ thuật chăm sóc cây trà hoa vàng.

Theo lời giới thiệu của Hội LHPN huyện Ba Chẽ, chúng tôi đến thăm gia đình chị Triệu Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Loỏng Toỏng, là Chi hội trưởng trẻ nhất của xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), một trong những gương điển hình về phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh. Năm 2015 gia đình chị Dung còn là hộ cận nghèo, thu nhập chỉ trông vào vào 5ha rừng keo. Từ cuối năm 2015, khi Hội LHPN xã định hướng phát triển cây trà hoa vàng là sản phẩm OCOP địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao, vợ, chồng chị đã bắt tay vào trồng gần 1.000 cây. Đến đầu năm 2016, chị tiếp tục được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thêm 100 cây cùng phân bón để mở rộng diện tích cây trà hoa vàng.

Chị Dung chia sẻ: "Với sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các cấp hội phụ nữ, mô hình trồng trà hoa vàng của gia đình tôi và 9 hội viên nữa được hỗ trợ với tổng kinh phí 85 triệu đồng; đến nay đều phát triển tốt, bước đầu cho thu hoạch lá trà. Gia đình tôi hiện đã thoát nghèo. Từ đầu năm nay, tôi cùng cán bộ phụ nữ xã vận động thêm 7 hộ trồng cây trà hoa vàng. Qua đó, tạo động lực, khuyến khích chị em mạnh dạn đầu tư, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cũng từ tháng 9/2016, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Quỹ Khuyến khích phụ nữ phát triển TP Uông Bí hỗ trợ 10 hội viên nghèo thôn Đồi Chè, xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) (15 triệu đồng/hộ) triển khai mô hình “Nuôi gà bản địa theo chuỗi giá trị”. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN huyện, xã thường xuyên phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi cũng như làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình. Đến tháng 5/2017, các hộ đã bắt đầu có gà bán; hiện tiếp tục mua thêm giống để duy trì và mở rộng đàn nuôi.

Với định hướng của Hội Phụ nữ xã, gia đình bà Phạm Thị Dẻo, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên mua thêm 200 con gà giống để mở rộng đàn gà của gia đình.
Với định hướng của Hội LHPN xã, hiện gia đình bà Phạm Thị Dẻo (thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) nuôi 500 con gà Tiên Yên.

Dự kiến đầu tháng 11/2017, Hội LHPN tỉnh tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ phát triển kinh tế gắn với chương trình OCOP của địa phương” và Hội nghị biểu dương “Phụ nữ dân tộc làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2012-2017 với sự tham gia của 130 cán bộ, hội viên, phụ nữ. Qua đó, nhằm tuyên truyền, nhân rộng các cách làm hay, các mô hình phát triển kinh tế gắn với chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” hiệu quả do phụ nữ thực hiện. Từ đây, tiếp tục vận động, khuyến khích phụ nữ trong tỉnh tích cực, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tiếp tục được các cấp hội đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, như: Phối hợp thực hiện 6 chương trình “101 cách thoát nghèo” cho hội viên, phụ nữ tại các địa phương Quảng Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà; thiết kế in ấn 1.500 tờ gấp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; cấp phát túi đóng gói sản phẩm cung cấp cho mô hình kinh tế, tổ hợp tác. Đồng thời, tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động uỷ thác với Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 1.162,4 tỷ đồng/35.260 hộ. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2017-2020”, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ các hội viên nghèo các xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) xây “Mái ấm tình thương”; triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm trị giá hàng trăm triệu đồng...

Thông qua các phong trào, chương trình hỗ trợ thiết thực của các cấp hội đã giúp hội viên, phụ nữ phát huy nội lực trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp chị em tự tin vươn lên trong cuộc sống, không ngừng khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.



Theo Nguyễn Dung/baoquangninh.com.vn