Làm nông nghiệp sạch không khó, nhưng...
- Thứ sáu - 06/10/2017 00:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mới trở về từ hội nghị xu hướng nông nghiệp bền vững trong tiểu vùng sông Mê Kông diễn ra tại Thái Lan, ông Võ Văn Khải, dí dỏm: "Lần này phải thắng chứ không thể nhất chín nhì bù mãi được".
10 năm lận đận
Trong hơn 1 giờ tiếp chúng tôi tại trụ sở công ty ở TP HCM, điện thoại của ông Khải cứ reo liên tục, từ hỏi chuyện dẫn nước vào ruộng, làm đất đến sử dụng phân bón, kỹ thuật... cho vụ mùa mới. "Mấy nhân viên dưới nông trại organic của Viễn Phú ở Cà Mau gọi hỏi đó. Chẳng ai muốn cầm tay chỉ việc từng chút cho nhân viên như vậy nhưng Viễn Phú đang tái khởi động sau cơn "bạo bệnh", gần như làm lại từ đầu nên phải đào tạo, hướng dẫn cặn kẽ, nhất quyết không để thất bại một lần nữa" - ông Khải giải thích.
Ông Võ Văn Khải (phải) trao đổi với các nhà khoa học nước ngoài về nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Nói là sau cơn "bạo bệnh" bởi mới cách đây hơn 1 năm, ông Khải đã phải rao bán trang trại hữu cơ gần 320 ha ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau vì quá mệt mỏi do cạn kiệt tài chính. Gần 10 đại gia tìm đến đặt vấn đề mua lại dự án nông nghiệp hữu cơ đã đạt chứng nhận của USDA (Mỹ) và EU nhưng cuối cùng, ông Khải chấp nhận hợp tác với Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), trở thành nhà cung ứng một phần sản phẩm organic (hữu cơ) cho hệ thống bán lẻ này. Không tiết lộ chi tiết cũng như giá trị hợp đồng với đối tác này nhưng sau khi ký kết, ông Khải hy vọng "máu đã chảy về tim", Viễn Phú một lần nữa gượng dậy đi tiếp chặng đường còn dang dở.
"Làm kinh tế trước tiên phải tính đến lợi nhuận. Lợi nhuận từ nông nghiệp hữu cơ chắc chắn không thể thấp hơn nông nghiệp vô cơ. Công ty Viễn Phú đã hoàn thiện hạ tầng toàn bộ dự án. Tất cả lúa, rau, tôm cá... trong trang trại gần 320 ha đều là sản phẩm organic. Nếu suôn sẻ, khoảng 3 năm nữa, chúng tôi sẽ hoàn vốn, bắt đầu có lãi" - ông Khải nói.
Công ty Viễn Phú khởi công dự án organic từ năm 2009, đến năm 2012 lấy chứng nhận quốc tế về nông nghiệp hữu cơ của Mỹ và châu Âu. Năm 2013, Công ty Viễn Phú có lô sản phẩm hữu cơ xuất khẩu đầu tiên qua trung gian và đến năm 2014 tự xuất khẩu gạo organic cho đến nay.
Cách đây gần 10 năm, việc một người gom góp vốn liếng, kinh nghiệm mười mấy năm lăn lộn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, từ TP HCM xuống tận vùng rừng hẻo lánh ở U Minh Hạ san lấp mặt bằng, đào mương dẫn nước, làm hạ tầng, đầu tư và lai tạo giống, xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, biến vùng đất lau sậy um tùm thành nông trại rộng lớn như ông Khải đã làm là chuyện ít ai dám nghĩ đến.
"Thời gian đó, tôi đi nhiều nước, thấy hạt gạo Việt Nam ra thế giới nhiều về số lượng nhưng chất lượng thì phập phù, lại không có thương hiệu. Nhân lúc thế giới quan tâm đến thực phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe, tôi quyết định quay về làm gạo và chọn cách trồng lúa theo tiêu chuẩn cao nhất để tạo sự khác biệt và ưu thế cạnh tranh.
Từ gạo organic, tôi mở rộng thêm gạo dinh dưỡng cho người béo phì, tiểu đường. So với nhu cầu của thế giới, gạo hữu cơ xuất khẩu của Việt Nam như muối bỏ biển nên thị trường còn rất lớn nếu tạo được thương hiệu, uy tín" - ông Khải nhận định.
Năm 2017, dự kiến nông trại của Công ty Viễn Phú sẽ thu hoạch khoảng 400-500 tấn gạo, trong đó hơn 50% mang thương hiệu Co.op Organic, số còn lại là gạo organic và gạo dinh dưỡng thương hiệu Hoasuafoods. Do nhiều đơn vị trong nước đặt mua nên Công ty Viễn Phú vẫn ưu tiên bán gạo cho thị trường nội địa ngoài duy trì xuất khẩu cho các khách hàng lâu năm. Song song đó, công ty sẽ phát triển thêm dự án rau và cá organic. Toàn bộ 320 ha đã hoàn thiện hạ tầng nên sắp tới, công ty tập trung tổ chức sản xuất và bán hàng, phát triển đại lý phân phối… "Sắp tới sẽ bộn bề việc phải làm, những việc lẽ ra đã làm từ nhiều năm trước nhưng do tài chính thiếu hụt nên chưa làm được" - ông Khải tâm sự.
Theo ông Khải, hiện nhiều nước nhảy vào nông nghiệp hữu cơ nhưng không dễ thành công. Chẳng hạn, Trung Quốc cũng làm nông nghiệp hữu cơ nhưng gần như không được thế giới tin dùng, Ấn Độ cũng vậy. Làm nông nghiệp hữu cơ phải xuất phát từ cái tâm, nếu chỉ chú trọng đến yếu tố thị trường, thị hiếu thì sẽ không thực chất, khó chiếm được lòng tin của người dùng. Vì vậy, Công ty Viễn Phú làm nông nghiệp hữu cơ bài bản để phục vụ cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Người tiêu dùng ngày càng bức xúc với thực phẩm bẩn thì thực phẩm hữu cơ càng có cơ hội phát triển.
Phải chấp nhận trả giá
Sau cả chục năm "lên bờ xuống ruộng" với nông nghiệp sạch, xây dựng được thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa (Hoasuafoods) trên thị trường thế giới và trong nước, đại diện Việt Nam tham dự nhiều hội nghị về sản xuất nông nghiệp bền vững khắp Á - Âu, ông Khải chỉ nhận được câu hỏi vì sao ông làm organic và làm có khó không?
Những lần được hỏi như vậy, ông đều giải thích làm organic không khó nhưng đòi hỏi người làm trước hết phải có tâm, có tài chính mạnh, ứng dụng công nghệ tốt và quan trọng nhất là được nhà nước hỗ trợ. Công ty Viễn Phú làm organic xuất phát từ cái tâm nhưng do thiếu nhiều thứ khác nên trầy trật, lận đận trong thời gian dài. Theo tính toán ban đầu, chỉ cần tối đa 5 năm là có thể thu hồi vốn nhưng con đường làm nông nghiệp hữu cơ quá mới, trước đó chưa ai đi nên gần 10 năm, Công ty Viễn Phú vẫn chưa có lãi.
Nông trại hữu cơ của Công ty Viễn Phú là một trong những dự án được cấp phép ưu đãi đặc biệt trong đầu tư nông nghiệp nhưng từ ngày đầu mở đất đến nay phải tự lực mọi thứ. Đầu tư vào nông nghiệp thường có chu kỳ rất dài nên chuyện khó khăn về vốn là không tránh khỏi. Trước khi bước vào lĩnh vực này, ông Khải đã nghiên cứu rất nhiều quy định liên quan đến cơ chế hỗ trợ cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhưng thực tế cả chục năm nay, không ngân hàng nào chịu cho Công ty Viễn Phú vay, chứ chưa nói đến được hỗ trợ, ưu đãi từ nhà nước.
Trước khi bắt tay vào dự án, Công ty Viễn Phú có nguồn vốn khoảng 30 tỉ đồng, dự tính được vay từ chính sách hỗ trợ khoảng 30-40 tỉ đồng nữa nhưng không vay được đồng nào. Công ty phải tự xoay xở từ vốn đầu tư tới vốn lưu động. Qua 10 năm lận đận, ông Khải thừa nhận nếu trở lại 10 năm trước, biết trước sẽ vất vả như thế thì ông đã không dám làm nông nghiệp hữu cơ.
Tổng đầu tư cho dự án của Công ty Viễn Phú đã trên 80 tỉ đồng, trong đó hơn 20 tỉ đồng trả lãi vay cho người thân. Nhiều khi thiếu vốn, công ty phải vay "nóng" với lãi suất 2,5%-3%/tháng. "Giá phải trả là không hề rẻ cho một dự án tiên phong trong sản xuất nông nghiệp sạch" - ông Khải đúc kết.
Cần cải thiện chính sách hỗ trợ
Chính phủ đã quan tâm và muốn thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch. Sự quan tâm này gần đây nhất được cụ thể hóa bằng gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao của Chính phủ với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với lãi suất thông thường.
Tuy nhiên, ông Khải băn khoăn về khả năng sử dụng gói tín dụng này thế nào để mang lại hiệu quả cho người sản xuất và doanh nghiệp. Trước gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhưng đa số nông dân, doanh nghiệp không tiếp cận được. Do đó, với gói tín dụng mới này, nếu không có cách làm khác, cách nghĩ khác từ các cán bộ nhà nước và ngân hàng thì tiền hỗ trợ khó đến được đúng đối tượng cần vay, khó đạt được mục tiêu như nhà nước kỳ vọng.