Lào Cai: Phát triển sản xuất lạc đỏ địa phương theo hướng hàng hóa gắn với chương trình OCOP
- Thứ hai - 13/01/2020 03:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mô hình có sự tham gia của 36 hộ dân, với quy mô 14 ha, triển khai trong 05 tháng (từ tháng 7- 11/2019). Tổng kinh phí thực hiện mô hình 317,205 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 292,005 triệu đồng mua 100% các loại vật tư theo định mức kinh tế kỹ thuật (giống lạc đỏ địa phương, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vôi bột), phần còn lại do các hộ tham gia đối ứng.
Trong quá trình triển khai, các hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lạc theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Các hộ cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn như: sử dụng giống lạc đỏ địa phương cấp xác nhận, được bảo hành về chất lượng, tiêu chuẩn quy định; thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai; sử dụng các loại phân bón đảm bảo chất lượng quy định; sử dụng vôi bột xử lý đất trước khi trồng nhằm hạn chế mầm bệnh; mật độ trồng từ 27- 30 cây/m2, cây cách cây từ 10 – 12 cm, hàng cách hàng 25-30cm; độ sâu lấp hạt 3 - 4 cm, dặm bổ sung khi cây có 1-2 lá thật.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng lạc cho bà con nông dân xã Nậm Mòn
Sau 5 tháng triển khai thực hiện mô hình tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, cùng với sự theo dõi sát sao của cán bộ kỹ thuật tại cơ sở, mô hình cho thấy hiệu quả và năng suất vượt trội. Theo dõi ruộng đối chứng cũng trồng giống lạc đỏ địa phương, nông dân canh tác theo biện pháp truyền thống dẫn tới số quả/khóm và số quả chắc/khóm thấp, năng suất thực thu chỉ đạt 11,5 tạ/ha, thấp hơn ruộng mô hình từ 7,5 - 10,5 tạ/ha. Đánh giá chất lượng lạc tại mô hình cho thấy, tỷ lệ lạc loại 1 đạt cao hơn ruộng đối chứng; giá bán lạc thương phẩm loại bình quân 1 là 27.000 đồng/kg, loại 2 là 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 53,3 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với ruộng đối chứng 17.695.000 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh đó khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Phát triển các sản phẩm bản địa là lợi thế của từng địa phương, tuy nhiên cần có sự đổi mới về quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm mang lại hiệu quả cao. Mô hình sản xuất lạc đỏ địa phương theo hướng hàng hóa gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP - năm 2019 mở ra một hướng đi mới cho các hộ dân tại xã Nậm Mòn để phát triển kinh tế hộ bền vững./.
Phan Yến
TT Khuyến nông và DVNN Lào Cai/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/