Nghệ An tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP

Ngày 12/12, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 740/KH-UBND về tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An. V
iệc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP đổi mới sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm đảm bảo các quy định tại Bộ tiêu chí về đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng chính phủ; từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm tham gia Chương trình đảm bảo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Thông qua đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời, khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh, xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đối tượng tham gia chương trình OCOP: Đối với cấp huyện bao gồm các sản phẩm của các chủ thể sản xuất đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đối với cấp tỉnh, các sản phẩm của các chủ thể sản xuất đã được đánh giá ở cấp huyện đạt điểm 3 sao trở lên được tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm cấp tỉnh.
Để đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện. Hội đồng cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đánh giá, phân hạng sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm hàng năm theo quy định của Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét giải quyết các thắc mắc, khiếu nại liên quan đến đánh giá, phân hạng sản phẩm. Hội đồng cấp huyện có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế cụ thể để tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm theo Bộ tiêu chí; các sản phẩm đánh giá là các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; lựa chọn các sản phẩm đạt 3 sao trở lên, hoàn chỉnh hồ sơ nộp về tỉnh (qua Chi cục Phát triển nông thôn) để tham gia đánh giá, phân loại cấp tỉnh.
Hồ sơ và mẫu sản phẩm nộp về tỉnh gồm: Bìa hồ sơ sử dụng theo mẫu chung của Chương trình OCOP Trung ương, hồ sơ của sản phẩm được đóng thành cuốn và có phụ lục chi tiết và số trang đi kèm; các mẫu phiếu hồ sơ bắt buộc và phiếu đánh giá, phân hạng sản phẩm được mã hóa số đơn vị hành chính theo quy định; 01 hồ sơ gốc và 20 bản sao hồ sơ gốc (gửi đến các thành viên Hội đồng tỉnh trước khi tổ chức đánh giá, phân hạng 03 ngày).
Đối với các sản phẩm thuộc các nhóm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược (số lượng ít nhất 11 mẫu); vải và may mặc, Lưu niệm – Nội thất – Trang trí (ít nhất 01 mẫu). Sản phẩm tham gia đánh giá có kích thước không quá 0,5m x 0,5m và nặng dưới 20kg gửi về Hội đồng cấp tỉnh.
Đối với sản phẩm thuộc nhóm lĩnh vực sản phẩm du lịch, dịch vụ phải gửi kèm theo 02 bộ đĩa video, hình ảnh minh họa về sản phẩm. Mỗi sản phẩm gửi 06 ảnh 4cm x 6cm, ghi rõ họ tên ở mặt sau (gồm 02 ảnh sản phẩm, 02 ảnh về hình ảnh và hoạt động của tổ chức, 02 ảnh của chủ sản phẩm).
Các mẫu sản phẩm này sẽ được Hội đồng sử dụng trong quá trình đánh giá, lưu giữ mẫu (không lưu sản phẩm tươi sống) và gửi đi kiểm nghiệm độc lập (nếu cần thiết). Những sản phẩm có giá trị cao, sau khi đánh giá, phân hạng Hội đồng cấp tỉnh sẽ trả lại cho chủ thể và chỉ lưu bằng hình ảnh.
Để thực hiện tốt việc đánh giá, phân hạng sản phẩm, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu thành lập Hội đồng cấp tỉnh về tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm; tổ chức triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm; trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; tham mưu đề xuất các sản phẩm đủ điều kiện đạt 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm tại Trung ương. Cùng với đó, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc tổ chức đánh giá sản phẩm tại các huyện, thành, thị; tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kiểm nghiệm độc lập với các sản phẩm cấp tỉnh được đánh giá đạt từ 03 sao trở lên; tham mưu ban hành quy chế đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP hàng năm;...
Các sở, ban, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị và các nhiệm vụ được phân công tại Quyết định 1432/QĐ-UBND ngày 02/5/2019 về việc thành lập Ban Điều hành Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030 để chủ động thực hiện. Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tuyên truyền về công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, công bố các sản phẩm đạt sao OCOP, tuyên truyền về các sản phẩm và chương trình OCOP.
UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm; xây dựng Kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia OCOP cấp huyện, đảm bảo yêu cầu chất lượng, hiệu quả, đúng thời gian quy định; thực hiện công khai kết quả đánh giá sản phẩm OCOP của địa phương hàng năm; hoàn thiện hồ sơ đối với các sản phẩm được đánh giá đạt điểm từ hạng 03 sao trở lên để tham dự đánh giá và phân hạng cấp tỉnh.
Theo H.B (Tổng hợp)/nghean.gov.vn