Nông dân Lâm Đồng gặt hái 'quả ngọt' từ nông nghiệp hữu cơ
- Thứ năm - 19/07/2018 22:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều tiềm năng
Đến thời điểm này, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ của Lâm Đồng đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc... Chẳng hạn như sản phẩm của Công ty VietFarm, thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất, hoa Đà Lạt Hasfarm... Những thành tựu này đạt được một phần nhờ vào hướng đi đúng đắn của nông dân và doanh nghiệp, đó là sản xuất nông nghiệp xanh - hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ảnh: V.L.
Ông Nguyễn Công Thừa - Tổng Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Anh Đào cho biết: “Để giải quyết vấn khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, cần tạo bước đột phá thay đổi cơ chế chính sách của tỉnh Lâm Đồng, tạo ra khu vực sản xuất riêng cho sản xuất hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ không thể lẫn lộn, đại trà giữa vùng sản xuất VietGap, tránh ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước và thói quen canh tác sản xuất truyền thống”. |
Theo ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 213ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ, trong đó có hơn 124ha là diện tích chè đã được cấp chứng nhân hữu cơ của Đức, 19ha rau với sản lượng khoảng 300 tấn của 5 doanh nghiệp.
Người nông dân cũng đã thay đổi nhận thức rất rõ về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều năm nay, HTX Thiện Thanh (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) đã chuyển sang sản xuất rau theo hướng hữu cơ không dùng hoá chất. Anh Trần Thiện Thanh - Chủ tịch HĐQT HTX Thiện Thanh cho hay: “Sản xuất rau theo hướng hữu cơ năng suất giảm nhưng giá thành cao, cải tạo và tăng độ phì cho đất. Năng suất các loại rau sản xuất theo hướng hữu cơ thấp hơn năng suất canh tác thông thường từ 20-30%, tuy nhiên, giá bán ký hợp đồng tiêu thụ cao hơn 30-50% so với sản xuất thông thường. Do đó, hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn cao hơn canh tác thông thường từ 10-20%”.
Cũng theo ông Lại Thế Hưng, chuyển từ phương pháp truyền thống sang trồng theo hướng hữu cơ sẽ là tất yếu với vùng nông nghiệp. Sản phẩm hữu cơ đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng và an toàn cho người tiêu dùng, canh tác theo hướng hữu cơ là phương pháp canh tác bền vững. Đặc biệt, trong sản xuất rau hoa, hầu hết nông dân đều sử dụng phân bón hữu cơ để bón với lượng 30 - 40m3 phân chuồng hoai mục, phân vi sinh/sào, đối với cà phê và chè, số hộ sử dụng phân hữu cơ các loại đạt từ 30 - 35%.
Nhưng lắm vướng mắc
Mặc dù là tỉnh được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích ứng dụng công nghệ cao lớn, nhưng đến nay, Lâm Đồng chứng nhận hữu cơ chỉ được thực hiện trên sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ là điều quan trọng trong chuỗi nông sản toàn cầu, song, quy trình thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt nên khả năng mở rộng là rất chậm, đến nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 213ha. Ông Lại Thế Hưng cho hay, hiện có nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Thâm canh cao, nhiều loại dịch hại phát triển, người sản xuất có tập quán sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật; chi phí chứng nhận xản xuất hữu cơ cao, chưa có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận; thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phổ biến, mới ở phạm vi hẹp chủ yếu tập trung ở các siêu thị lớn...
Ông Nguyễn Công Thừa - Tổng Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt) cho rằng, cần có những cơ chế chính sách mang tầm vĩ mô của nhà nước. Tại các vùng sản xuất hữu cơ cần thành lập trung tâm sơ chế, đóng gói đạt chuẩn, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến cửa hàng bán lẻ.
Theo Văn Long/danviet.vn