Nông sản Việt cần 'gắn sao'
- Thứ năm - 22/11/2018 04:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều sản phẩm OCOP Quảng Ninh được người tiêu dùng tin cậy sử dụng |
TS Morihiko Hiramatsu, Chủ tịch danh dự, Ủy ban Trao đổi OVOP Quốc tế, “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trên thế giới, cho rằng, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế.
Ông Hiramatsu giới thiệu về một loại nấm do nông dân Nhật Bản trồng, với giá khoảng 4 triệu đồng/kg. Ông đưa hình ảnh so sánh khá thú vị: Nếu thương hiệu đẳng cấp của công nghiệp xe hơi Nhật là chiếc xe Lexus nặng khoảng 2 tấn, giá hơn 2 tỷ đồng, tính ra chỉ 1 triệu đồng/kg. “Điều này cho thấy, sản phẩm nông dân làm ra không hề thua kém giá trị của những sản phẩm công nghiệp đẳng cấp quốc tế. Và tôi tin nông dân Việt Nam cũng có thể làm được như nông dân Nhật”, ông nói.
Theo vị “cha đẻ” của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (bắt nguồn từ tỉnh Oita của Nhật), động lực để nông dân tham gia chính là giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm giúp họ tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, cho biết, học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, nhất là từ Nhật Bản, Thái Lan và kết quả triển khai tại Quảng Ninh, hiện cả nước đã có 18 tỉnh phê duyệt đề án cấp tỉnh, 16 tỉnh phê duyệt đề cương, các tỉnh còn lại đang hoàn thiện dự thảo cuối cùng để phê duyệt.
Dự kiến, hết năm nay, 63 tỉnh thành sẽ phê duyệt đề án cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá phân loại, xếp hạng “sao” cho hơn 4.800 sản phẩm OCOP, trong tháng 12 tới sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương và dự kiến áp dụng từ năm 2019.
Theo ông Tiến, việc gắn sao sẽ từ 1 đến 5 sao, trong đó 3 sao trở xuống là cấp tỉnh, 4 - 5 sao là do Trung ương cấp. “Sản phẩm 4 - 5 sao, là có thể đưa lên kệ hàng và quốc tế. Tuy nhiên, để vươn tới 4 - 5 sao, ngay cả như tỉnh tiềm lực Quảng Ninh triển khai mô hình OCOP đã bốn năm nay, nhưng hiện cũng chỉ có 5 sản phẩm được xếp hạng 5 sao. Do vậy, khi chuẩn hóa, xếp hạng, cả nước có tầm 30 - 40 sản phẩm cũng quý lắm rồi”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, để triển khai chương trình OCOP, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ lựa chọn 10 tỉnh (mỗi tỉnh chọn 1 huyện) thí điểm để đánh giá, nhân rộng. “Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng NTM 8 năm nay, chúng tôi tin, cả phía Trung ương và địa phương đều có thể làm tốt thí điểm và diện rộng, từ đó điều chỉnh chính sách, tổ chức triển khai bài bản nhất”, ông Tiến nói.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hiện cả nước có 6.270 DN, HTX, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 DN, chiếm 76,6% số DN SXNN trong cả nước, tổ chức SX 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm - 2.584 sản phẩm; đồ uống - 1.041 sản phẩm; thảo dược - 231 sản phẩm; vải may mặc - 186 sản phẩm; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí - 580 sản phẩm; dịch vụ du lịch - 201 sản phẩm.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đầu có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra TP, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức SX trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. |