Ở nơi có 400 ha cà phê 20 năm không sử dụng thuốc sâu

Ở nơi có 400 ha cà phê 20 năm không sử dụng thuốc sâu
Về xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi đây là xã chuyên canh 1.500ha cà phê, trong đó có khoảng 400ha trong suốt 20 năm không sử dụng thuốc BVTV nhưng năng suất vẫn đạt từ 4 – 6 tấn/ha.
09-36-33_nong_dn_thm_qun_mo_hinh_nuoi_trong_co_trong_vuon_c_phe_cu_nh_tm
Trồng cỏ trong vườn cà phê để cân bằng hệ sinh thái, nuôi dưỡng thiên địch

Ông Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh cho biết, gia đình ông trồng 10 ha cà phê từ năm 1997 đến nay hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu, năng suất trung bình đạt 5 tấn nhân/ha/năm. Sự việc bắt đầu từ mô hình trồng cỏ không sử dụng thuốc sâu của KS Trần Thanh Tâm ở cùng xã. Mô hình đã giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Từ đó lan tỏa trong và ngoài xã, đến nay cả xã có trên 600 hộ có thâm niên 20 năm không dùng thuốc sâu trong canh tác cà phê.

KS Trần Thanh Tâm kể, năm 1995 sau khi ra trường anh về quê mua đất trồng cà phê. Sau đó lấy giống cỏ gừng trồng xen cà phê. Sau 3 năm áp dụng phương pháp canh tác mới, đồi cà phê cây nào cây nấy sai trĩu cành, năng suất cao. Thấy cách làm lạ, người dân kéo đến xem và học hỏi và làm theo.

Anh Tâm khẳng định, từ năm 1990 anh hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê, chủ yếu sử dụng phương pháp “thiên địch” để diệt sâu hại. Toàn bộ diện tích cà phê đều nuôi trồng cỏ lá gừng (tên khoa học Axonopus compressus) và cỏ cúc Thái Lan, hay còn gọi là sài đất (tên khoa học Wedelia chinensis).

Mục đích của việc nuôi cỏ nhằm chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất. Loại cỏ này phát triển rất mạnh và cho lượng sinh khối rất lớn, có khả năng cải tạo đất rất tốt, cân bằng hệ sinh thái giúp cho giun đất, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong ký sinh, hệ vi sinh vật có lợi phát triển.

Chính những côn trùng có lợi này sinh ra để tiêu diệt các loại sâu có hại nên không cần sử dụng thuốc sâu. Tuy nhiên khi nuôi trồng cỏ cũng cần lưu ý kỹ thuật phát cỏ, có thể phát toàn bộ diện tích, hoặc phát 1 hàng để 1 hàng. Phát cách mặt đất từ 5 – 10cm, giữ cho mặt đất không bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cà phê sẽ phát triển tốt.

Anh Tâm chia sẻ, làm theo phương pháp nuôi trồng cỏ, không sử dụng thuốc sâu trong vườn cà phê tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: không tốn tiền mua phân hữu cơ vì hàng năm nguồn hữu cơ tự nhiên từ cỏ mục cung cấp một lượng rất lớn. Giảm lượng phân vô cơ, giảm và không mất tiền công tưới nước, không mất công đánh bồn, cuốc đất, không mất tiền mua thuốc BVTV, không ảnh hưởng môi trường. Đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Một năm đầu tư hết khoảng 15 triệu tiền phân vô cơ cho 1ha, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc sản xuất cà phê bền vững.

Tuy nhiên, khi canh tác cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hệ thống thâm canh cây cà phê. Từ cây giống, kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch, tiêu thụ sản phảm… Kỹ thuật bón phân bà con lưu ý: Nên bón phân cân đối, cách bón này đã giúp ngăn ngừa và trị bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu đục thân ở cành cà phê chỉ việc cắt cành (cắt sau chùm cà phê bị đen 10 - 20cm) vứt xuống đất, các loại thiên địch như: kiến, bọ rùa, ong, tự bò tới tiêu diệt con sâu, nên không cần phải dùng thuốc sâu, tốn kém.

Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thanh xác nhận: Thông tin 20 năm người dân ở địa phương không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê là hoàn toàn chính xác. Mô hình này rất hiệu quả và cần được nhân rộng.

Cũng theo ông Hồng, gia đình ông trồng 7ha cà phê từ năm 2000 không sử dụng thuốc sâu, mà dùng “thiên địch” để diệt sâu bệnh, năng suất vẫn đạt 5 tấn/ha/năm. Điều phấn khởi nhất là người dân đã ý thức được tác hại của thuốc sâu đối với chất lượng sản phẩm cà phê, với sức khỏe người lao động. Trước đây cả xã có 5 cửa hàng bán thuốc BVTV. Nhưng do người dân không sử dụng thuốc sâu nên các cửa hàng đều ế ẩm, có nhà phải chuyển qua bán phân bón hoặc kinh doanh mặt hàng khác.

Ông Hồng trăn trở, mặc dù người dân ở địa phương đã 20  năm không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê, nhưng chưa có cơ quan hay tổ chức nào công nhận cà phê sạch hay cà phê bền vững gì. Giá bán cà phê không sử dụng thuốc sâu (cà phê sạch) không cao hơn so với các loại cà phê bán trôi nổi ngoài thị trường...
Theo: Hiếu Cầu/nongnghiep.vn