OCOP, chìa khóa đưa Phúc Thuận đi lên

OCOP, chìa khóa đưa Phúc Thuận đi lên
Với sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Phúc Thuận (Phổ Yên - Thái Nguyên) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cuối năm 2017.
tr3d.JPG
Vườn nhãn nhà ông Quỳnh sắp cho thu hoạch.

Với thế mạnh là vùng nông nghiệp, địa phương xác định triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chìa khóa nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển và xây dựng NTM nâng cao.

Chính quyền vào cuộc

Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, cho biết: Chúng tôi nhận thức, xây dựng tốt sản phẩm OCOP sẽ là chìa khóa đưa kinh tế của người dân phát triển, mở ra hướng mới để sản xuất và tiêu thụ nông sản tốt hơn. Trên tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi đã bám sát thực tiễn địa phương, định hướng và xác định những sản phẩm đăng ký xây dựng OCOP.

“Với thế mạnh là nhãn, chè và mật ong, chúng tôi vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác sao cho nông sản của địa phương đạt năng suất, chất lượng cao hơn; tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP”, ông Huân nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, xã  tổ chức tập huấn 1 lớp sản xuất chè VietGAP với 30 hộ tham gia; 01 lớp triển khai sản xuất vụ xuân, 80 hộ tham gia; 1 lớp triển khai sản xuất vụ mùa,  68 hộ tham gia. Phúc Thuận đã cử 25 hộ đi tập huấn về Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.

tr3da.JPG

Chè trồng theo quy trình VietGAP.

Công tác đào tạo nghề cũng được địa phương tích cực triển khai; 6 tháng đầu năm đã khai giảng 02 lớp nghề trồng chè cho 60 học viên... Xã đã đổ bê tông mở rộng tuyến đường vào vùng cây ăn quả với bề mặt rộng 5m, dài 6km, tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện ra vào mua bán, vận tải nông sản.

Nhân dân tích cực tham gia

Ông Nguyễn Viết Quỳnh, Giám đốc HTX Phúc Hưng (Phúc Thuận), cho biết: HTX được thành lập năm 2016, với 10 hộ tham gia; tổng diện tích canh tác  khoảng 20ha, chủ yếu trồng  nhãn, bưởi...

Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền, xã viên HTX tích cực tham gia tập huấn, trang bị thêm nhiều kiến thức về trồng trọt,... nên cây quả của xã viên phát triển khá tốt.

Không chỉ có vậy, các thành viên HTX còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi; việc trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP luôn được xã viên chú trọng thực hiện; nhiều hộ đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động cho cây... Hiện nay, HTX Phúc Hưng đang được UBND xã chọn xây dựng nhãn là sản phẩm OCOP của địa phương.

tr3db.JPG
Người dân Phúc Thuận nuôi ong.

Ông Nguyễn Đăng Yên (xóm Phúc Tài) chia sẻ: Gia đình nuôi ong khoảng 30 năm nay; hiện hai người có khoảng 200 đàn (mỗi người  100 đàn). Năm 2018, thu nhập từ nuôi ong của riêng tôi được khoảng 300 triệu đồng; năm 2019, do nguồn hoa kém nên bị thất thu, tới nay mới thu được 3 vòng, ước đạt 100 triệu đồng.

Trên địa bàn xã Phúc Thuận có khá nhiều hộ nuôi ong. HTX nuôi ong của xã sau thời gian thăng trầm, có lúc tạm dừng, giải thể, thế nhưng với sự vận động của chính quyền, nhiều hộ đồng lòng thành lập mới HTX, đây là cơ sở để chính quyền triển khai việc xây dựng mật ong là sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho việc xây dựng sản phẩm OCOP của Phúc Thuận nói riêng và các xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói chung, các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Nếu được như vậy, mỗi xã sẽ sớm có sản phẩm thế mạnh cho mình, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế địa phương phát triển.

 Đình Hợi
Nguồn tin: https://kinhtenongthon.vn