Phân bón hữu cơ ngon, bổ, rẻ chật vật chiến đấu với các "ông lớn"
- Chủ nhật - 15/10/2017 10:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam tại Hội thảo Quốc gia về phát triển chiến lược phân bón hữu cơ và phổ biến Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón diễn ra tại TP.HCM, sáng nay 13.10.
Chưa có loại phân bón hóa học nào không... gây độc cho người
Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam ước khoảng 11 triệu tấn các loại, trong đó hơn 90% là phân bón hóa học, phân bón hữu cơ chỉ chiếm xấp xỉ gần 1 triệu tấn. Đáng nói, khi sử dụng phân bón hóa học, khoảng 45% - 50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu xuống nguồn nước hoặc bay hơi gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, nhiều công trình nghiên cứu của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) và WHO đều khẳng định, chưa có một loại phân bón hóa học nào dùng đúng liều lượng mà không gây độc cho người. Điều này đã được chứng minh bằng sự suy thoái ngày càng nghiêm trọng của đất trồng nông nghiệp Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung, cũng như xu hướng trên thế giới người tiêu dùng đang tìm đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Cũng theo ông Thúy, từ 2005 đến nay, thế giới đã chuyển biến tích cực thành phân bón công nghệ cao và phân hữu cơ. Hội nghị Phân bón quốc tế tại Paris năm 2009 cho thấy, các nước tiên tiến trên thế giới đã có chuyển biến mạnh dùng công nghệ sản xuất phân hữu cơ và phân chuyên dùng chiếm bình quân từ 30-35%, có nước cao hơn 40-45% như Mỹ, Úc... Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại chúng ta mới đẩy mạnh sang dùng công nghệ sản xuất phân hữu cơ là quá chậm.
Ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hải
“Một thực tế đáng buồn là đa số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện đang kém cạnh tranh so với các nước. Ví dụ như chúng ta đã xuất khẩu gạo gần 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế, trong khi đó đi sau ta, đất nước Campuchia tại Hội chợ Thương mại Lương thực quốc tế 2014 và 2015, gạo thơm Phka Romdoul (còn gọi là gạo Lài Campuchia) đã 3 lần trình làng được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới. Đáng nói, đất Campuchia giống đất ĐBSCL, chỉ cách nhau một con sông”, ông Thúy dẫn chứng về lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Đồng quan điểm, ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam cần một hướng đi mới bền vững và hiệu quả hơn, một trong những hướng đi đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học và tiến tới sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ là giải pháp quan trọng để phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững...
“Hàng năm, ngành chăn nuôi Việt Nam thải ra khoảng 80 triệu tấn chất thải rắn, trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% lượng chất thải đã và đang bị xả ra môi trường gây ô nhiễm. Nếu tận dụng được lượng chất thải hữu cơ này để sản xuất phân bón hữu cơ thì sẽ góp phần quan trọng đẩy mạnh phát triển nên nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam”, ông Đoàn phân tích.
Làm sao để cạnh tranh với “ông lớn” vô cơ?
Dù tầm quan trọng của phân bón hữu cơ là rất lớn với việc phát triển nền nông nghiệp Xanh tại Việt Nam nhưng đa số các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, sẽ rất khó để thay đổi tập quán dùng phân vô cơ, đặc biệt khi ngành phân bón hữu cơ hiện tại rất nhỏ nhoi so với nền công nghiệp phân bón vô cơ khá đồ sộ, hiện chiếm gần 90% thị phần phân bón tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Chưa kể, hiện nay việc sử dụng phân bón hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn như: bất tiện về vận chuyển và sử dụng, tác động không nhanh chóng như phân bón hóa học, chi phí đầu vào cao hơn...
Về vấn đề này, ông Lương Quốc Đoàn cho rằng, mặc dù còn khó khăn nhưng đây là hướng đi cần thiết và có thể thực hiện được nếu tập trung giải quyết các vấn đề như: có chính sách khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất phân bón từ nguồn nguyên liệu trong nước; Tuyên truyền và có chính sách khuyến khích nông dân sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ; Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ để tác động nhanh đến sinh trưởng cây trồng; Làm tốt công tác quản lý nhà nước về sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ; Tăng cường tuyên truyền và thay đổi hành vi người tiêu dùng trong mua sắm thực phẩm nguồn gốc hữu cơ.
“Nếu giải quyết tốt các vấn đề này, chắc chắn chiến lược phát triển phân bón hữu cơ sẽ thành công”, ông Đoàn nói.
Vỏ cà phê đã được người dân huyện Mường Ảng (Điện Biên) tận thu, ủ làm phân hữu cơ (hay gọi là phân xanh) bón cho cây trồng. (Trong ảnh: Anh Lò Văn Nam, bản Hón, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng đang bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê - Tuyết Anh)
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, phát triển chiến lược phân bón hữu cơ, chúng ta phải đi hai chân (hai mô hình) gồm: Thứ nhất là mô hình các tập đoàn, tổng công ty... đang sản xuất phân vô cơ cần chuyển hướng kế hoạch dài hạn thay thế dần NPK, đưa vào kế hoạch phát triển hàng năm công nghệ cao sản xuất phân bón hữu cơ. Thứ 2 là mô hình nhà nhà làm phân bón (hộ nông dân), theo đó Hội Nông dân sẽ hướng dẫn nông dân tự sản xuất phân hữu cơ tại nhà.
Được biết, theo mô hình này, mỗi hộ gia đình chỉ cần quy hoạch diện tích 3-5m2, mỗi ngày bỏ ra 5-10 phút thu gom hết các phế phẩm từ nông nghiệp như rác thải sinh hoạt, thức ăn thừa, phân chuồng... thông qua chế phẩm CCV và trùn quế để biến thành phân hữu cơ.
“Nhà nước cần có chỉ thị hoặc nghị quyết về chiến lược phát triển phân bón hữu cơ từ năm 2017-2020 và có các chính sách, cơ chế thích hợp về tài chính, về thuế má cho phát triển công tác này, để cho cuộc cách mạng phát triển phân bón hữu cơ, cho phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ ở nước ta thành công”, ông Thúy đề nghị.