Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Bài 3: Từng bước hoàn thiện khâu sản xuất

Qua những kết quả đã đạt được, có thể nhận thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện đang được cộng đồng quan tâm và tìm hướng phát triển.
Cánh đồng lúa hữu cơ chức năng tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Do đó, từng thành phần kinh tế trong xã hội cũng phải từng bước hoàn thiện mình mới có thể tạo “đường thông lề thoáng” cho nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế phù hợp để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững hơn. 

Có chính sách thu hút doanh nghiệp 

Trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp tham gia vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Thế nhưng, doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và phát triển. 

Theo ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau), sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải khó làm, thậm chí trong thời gian tới sẽ dễ dàng thực hiện vì nhận thức và yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao. Sự quan tâm đến sức khỏe và an toàn môi trường sống sẽ được đặt lên hàng đầu, điều này sẽ tạo động lực khuyến khích nông nghiệp hữu cơ phát triển. Vì vậy, trong tương lai sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp hữu cơ. Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi về các quy định, thủ tục, cũng như quỹ đất sản xuất cho doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, nguồn vốn để doanh nghiệp huy động đầu tư ban đầu cũng chiếm phần quan trọng không nhỏ. Các địa phương cũng cần có tham mưu cho chính phủ về cơ chế, chính sách vốn cho vay lãi suất ưu đãi, trả chậm thì mới thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi này. 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Mùa (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ, bước vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hầu như doanh nghiệp nào cũng mang tâm huyết sẽ phát triển một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững, vì sự an toàn sức khỏe con người trong từng bữa ăn. 

Vì vậy, để doanh nghiệp có thêm động lực, ngoài phải giải quyết nguồn vốn, sức tiêu thụ của thị trường thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có các cơ chế chính sách quản lý hợp lý từ nguồn giống đến quy chuẩn đất, nguồn vật tư đầu vào như các loại phân hữu cơ, nguồn gốc vi sinh sử dụng khi sản xuất, quy cách bao bì, truy xuất nguồn gốc và cả khâu chứng nhận, tránh sự thiếu chặt chẽ và chậm trễ trong các thủ tục chứng nhận, sẽ gây ách tắc cho doanh nghiệp. 

Quản lý đồng bộ 

Các mô hình trồng chè hữu cơ, VietGap ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Quân Trang/TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh hơn trong giai đoạn 2018 - 2025, cần có hệ thống quản lý đồng bộ, một lộ trình phát triển chặt chẽ, cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để người sản xuất hiểu rõ hơn cách thức và tính cần thiết của sản xuất hữu cơ, công tác truyền thông tại các tỉnh phải được đẩy mạnh hơn nữa. 

Mặt khác, để hỗ trợ cho việc thúc đẩy sản xuất hữu cơ, toàn ngành cần có chính sách cụ thể, rõ ràng để từng mắc xích trong chuỗi sản xuất hữu cơ áp dụng và thực hiện. Vừa qua, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo Nghị định nông nghiệp hữu cơ và Bộ cũng hoàn tất Dự thảo này. Tiếp theo là thực hiện song song với Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018-2025. 

Trước nhu cầu cần thiết của nông nghiệp hữu cơ, mỗi địa phương đều nhận thấy tầm quan trọng của từng khâu, từng mắt xích để hoàn thiện chương trình này. Vì vậy, hiện nay, từng tỉnh cũng đã có động thái thúc đẩy, khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từng tỉnh có chính sách quản lý đồng bộ từng bộ phận cây trồng, vật nuôi để tăng tỷ lệ sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh. 

Trả lời về hướng đi này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định, quy hoạch hệ thống đất đai cần ưu tiên phục vụ cho khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thủy sản hữu cơ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách về vốn ưu đãi cho sản xuất hữu cơ, bởi vì khởi đầu, cải tạo lại toàn bộ hệ thống cần nguồn kinh phí lớn, mà người sản xuất nhỏ lẻ khó có nguồn vốn sẵn có để làm. 

Không những vậy, khâu chứng nhận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm hữu cơ so với các sản phẩm thông thường. Do đó, trong thời gian tới, nhà nước cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất, chứng nhận chất lượng, giám sát các khâu liên quan đến nông nghiệp hữu cơ. Cũng theo hướng đi này, dự kiến đến năm 2020, Cà Mau sẽ chứng nhận 30.000 ha tôm nuôi dưới tán rừng, 40.000 ha tôm lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành và yêu cầu an toàn sức khỏe của người tiêu dùng. 

Trong những khâu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì người trực tiếp sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất. Vì vậy, một nhiệm vụ phải thực hiện trước nhất là nâng cao năng lực sản xuất của nông dân Việt Nam.  N

Theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, phải tiến hành đào tạo cơ bản đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, tạo dựng nền nông nghiệp hữu cơ theo quy hoạch của Chính phủ. Về quản lý vĩ mô, dù tích tụ ruộng đất cao đến mức nào, các trang trại gia đình vẫn dựa chủ yếu vào sức lao động nông hộ. Với các khâu sản xuất mang tính sinh học, doanh nghiệp thuê đất phải áp dụng hình thức khoán hộ cho chính nông dân chủ đất, đây là cách tái lập trang trại gia đình. 

Như vậy, khi thực hiện tốt từng khâu, liên kết chặt chẽ, hợp lý, không chồng chéo trong quản lý thì mới có thể giúp ngành sản xuất hữu cơ phát triển mạnh hơn so với hiện nay.
Theo Hồng Nhung/baotintuc.vn