Phát triển nông nghiệp hữu cơ (Tiếp theo và hết)

Bài 2: Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp - Dù đã đạt được một số thành tựu, nhưng để xây dựng được một nền nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa, Việt Nam phải thu hút được các doanh nghiệp, doanh nhân và xem đây là hạt nhân quan trọng nhất để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.
Mô hình trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ tại xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Xác định rõ tiêu chí

Tại diễn đàn quốc tế "Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập" hồi cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp phi hữu cơ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Phát triển tỷ lệ nào cho nông nghiệp hữu cơ là phù hợp, Chính phủ sẽ chỉ đạo chặt chẽ để ngành nông nghiệp xây dựng đề án phát triển giai đoạn 2018-2021.

Ðể phát triển nông nghiệp hữu cơ, biện pháp hàng đầu là cần hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng hành, đồng bộ của các cấp, ngành, thành phần kinh tế và người dân, làm sao vừa khắc phục được những bất cập hiện nay, vừa đưa lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ thời gian tới.

Muốn vậy, trước hết, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất. Trên cơ sở đó huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đấy, có những chính sách cụ thể để thu hút đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài, kể cả trong việc đầu tư trực tiếp cho đến kinh nghiệm quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp cùng các thành phần kinh tế trong nước đẩy nhanh hơn việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mặt khác, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam mới có tham khảo tiêu chuẩn IFOAM, ngang tầm với tiêu chuẩn hiện nay do các nước ASEAN đồng thuận áp dụng (ASOA), đồng thời tham khảo thêm tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhằm bảo đảm tính yêu cầu hội nhập thị trường quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Từ đó cần bổ sung, xây dựng thêm chính sách và đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, bao gồm xây dựng tiêu chuẩn, cấp chứng nhận, phát triển đầu vào hữu cơ (vật tư), nâng cao năng lực, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ quản lý ngành nông nghiệp cũng như các cá nhân doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho rằng, tùy lúc, tùy nơi cần có những chiến lược thích hợp để phát triển. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hòa cho rằng: Trong định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ một số trọng tâm chính là: Lựa chọn các sản phẩm, vùng sinh thái phù hợp để quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Coi sản xuất hữu cơ là một phương thức canh tác an toàn với con người; tăng cường công tác phối hợp với các viện nghiên cứu, trường… để phổ biến tuyên truyền, tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Gắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, sử dụng các loại vật tư xuất phát từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Thu hút doanh nghiệp

Một trong những vấn đề then chốt để phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững và có tính khả thi cao là phải khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ... Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn những sản phẩm có lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế xã hội địa phương, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ của một doanh nghiệp (DN) lớn, ông Ðoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) cho rằng, mỗi địa phương cần phát hiện và chọn lựa khoảng một vài doanh nghiệp có tiềm năng và các ngành, các cấp cần hỗ trợ về cơ chế, vốn, và tích tụ đất đai để xây dựng nên một mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, từ những mô hình mẫu này mới có thể nhân rộng ra các cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong địa phương.

Qua khảo sát, thực tiễn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ trên cả nước, chúng tôi nhận thấy một thực tế là nông dân và DN sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách của nông nghiệp. Ðây là trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh mang tính hàng hóa nông sản chất lượng cao như sản xuất hữu cơ. Vì thế, cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, thuế đất đai cho họ.

Cụ thể: Các DN, cá nhân sản xuất hữu cơ cần được hưởng ưu đãi theo các Quyết định 738/QÐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nghị định mới thay thế Nghị định 210 của Chính phủ. Chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho người sản xuất và DN tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ như cần có quy định cụ thể mức hỗ trợ cho việc chuyển đổi đất canh tác từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ trong thời gian ba năm. Hỗ trợ 50% giá trị phân bón hữu cơ cho 1 ha trong ba năm đầu.

Ðáng chú ý, cần có chính sách phát triển thị trường cho sản phẩm hữu cơ như hỗ trợ kinh phí khi xây dựng các thương hiệu nông sản chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, với mức 500 triệu đồng/sản phẩm. Dành ngân sách xúc tiến thương mại để tổ chức các hội chợ triển lãm về sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ 50% kinh phí cho các DN tham gia các sự kiện này.

Bên cạnh đó, xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh, vận động kêu gọi được sự tham gia đầy đủ các thành phần trong xã hội, với hạt nhân là các DN có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và tâm huyết với nông nghiệp. Ðồng thời, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải thật sự gần gũi, thấu hiểu để hỗ trợ hiệu quả cho đội ngũ doanh nhân, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ toàn diện và có chiều sâu.

Theo Tâm Tuấn - Phong Sơn/nhandan.com.vn