Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần bài bản, khoa học
- Thứ bảy - 16/12/2017 23:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo thống kê của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL), thế giới hiện có 179 nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích gần 51 triệu ha, tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD, chủ yếu tập trung tại thị trường Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...
Tại Việt Nam, đến nay đã có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển những mô hình nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích 76.600 ha (tăng gấp 3,6 lần năm 2010), tập trung tại các địa phương: Hà Nội, Cà Mau, Tây Ninh, Ninh Thuận, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang... Tuy nhiên, so với tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp toàn quốc thì tỷ lệ trên còn rất khiêm tốn. Việt Nam hiện đứng thứ 56 trong các nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tập trung vào dừa, nho, chè, lúa, cam, ca cao, rau… Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khoảng 93 triệu dân trong nước, sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu ra các thị trường: Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển nhanh về mạng lưới và quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề cấp bách hiện nay, do đó việc bảo đảm phát triển nền nông nghiệp tiết kiệm, an toàn, hiệu quả thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ là vấn đề cần được quan tâm.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nút thắt của phát triển nông nghiệp hiện nay là hạn điền, đất đai. Cùng với đó là vấn đề con người và khoa học kỹ thuật – hai yếu tố cũng rất quan trọng. Và cuối cùng là vai trò của các doanh nghiệp, bao gồm cả các hợp tác xã. Đây là những bài toán mà các bộ ngành Trung ương, các địa phương cần tập trung tháo gỡ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có nhận thức đúng đắn về nông nghiệp hữu cơ, với mục tiêu phát triển không chỉ nhằm đáp ứng phân khúc cao cấp, giúp Việt Nam hội nhập, mà trước nhất là dành cho nhu cầu sử dụng nông sản tốt nhất cho người dân trong nước. Đồng thời, nông nghiệp hữu cơ chưa thể phát triển ồ ạt mà cần phát triển bài bản, khoa học. Trong quá trình phát triển các loại hình nông nghiệp, cần bảo đảm phát triển hài hòa theo tỷ lệ, tránh làm theo phong trào, tránh mất cân bằng an ninh lương thực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2018 - 2025, trình Chính phủ xem xét. Trong đó, chú ý cụ thể hóa các chính sách về hỗ trợ tín dụng, tháo gỡ khó khăn thị trường, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật. Mục tiêu là từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, các địa phương cần có cơ chế quản lý nhất quán, minh bạch nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Cùng với đó, cụ thể hóa các đề xuất, kiến nghị thành kế hoạch hành động cụ thể trong giai đoạn phát triển tới.
Cũng tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng để phục hồi, duy trì, bảo dưỡng hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người. Phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam sẽ đón đầu xu hướng đó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một trong những biện pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển là cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện Nghị định nông nghiệp hữu cơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 cũng đang được Bộ NN&PTNT tích cực triển khai. Bộ Khoa học và Công nghệ đang chuẩn bị hoàn tất và công bố tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên chính sách đất đai, tín dụng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ; ban hành các chính sách đột phá thu hút đầu tư của xã hội sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chỉ đạo các bộ, ngành bổ sung, hoàn thiện TCVN11041:2015, đáp ứng sự phù hợp quốc tế. Đồng thời, bổ sung vào Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia các hoạt động quảng bá, kết nối, giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ./.
Theo Dangcongsan.vn