Phát triển phân bón hữu cơ: Khó, nhưng không thể không làm

Phát triển phân bón hữu cơ: Khó, nhưng không thể không làm
Đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam cần một hướng đi mới bền vững và hiệu quả hơn, đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó, sử dụng rộng rãi phân hữu cơ chính là chìa khóa để Việt Nam phát triển một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ con người và nâng cao lợi ích cho nông dân.
 
Phân bón nhập khẩu làm thủ tục tại Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh: Thu Hòa

Lép vế trước phân hóa học

Ông Lương Quốc Đoàn, Phó chủ tịch BCH Hội nông dân Việt Nam, nhận định, trải qua 3 thập kỷ phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng hoá học, nông nghiệp Việt Nam đã và đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường nông nghiệp, gây biến đổi khí hậu. Trong khi đó thực phẩm bị mất an toàn vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Không những vậy, đất đai cũng ngày càng trở nên cằn cỗi, năng suất sản lượng tăng nhưng thu nhập của nông dân có xu hướng giảm do chi phí đầu vào cao.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng nhận định, thế giới đang ngày càng quan tâm tới an toàn thực phẩm và chất lượng nông sản. Các nước nhập khẩu nông sản hiện nay kiểm tra rất nghiêm ngặt chất lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là tồn dư các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và hàm lượng các kim loại nặng trong nông sản. Khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì vấn đề thuế quan không phải là trở ngại mà chính là hàng rào kỹ thuật mà thông số kỹ thuật chính là hàm lượng tồn dư các chất kể trên. Chính vì vậy, việc chuyển hướng theo xu thế nông nghiệp hữu cơ đang được chú trọng nhằm đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.  

Tuy nhiên, theo một số nguồn thống kê, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó hơn 90% là phân hoá học, phân bón hữu cơ chỉ chiếm xấp xỉ 1 triệu tấn. Theo các tài liệu đã được nghiên cứu, khi sử dụng phân bón hoá học, khoảng 50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng để tạo sinh khối, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu xuống nguồn nước hoặc bay hơi, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm ngành nông nghiệp nước ta thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân gia súc, gia cầm… Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn để làm phân hữu cơ nhưng lại bị quên lãng từ lâu. Theo tính toán của ông Thúy, với số lượng phế thải như trên, mỗi năm có thể sản xuất được 5-6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình hộ nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đoàn, hiện nay việc sử dụng phân bón hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do một số hạn chế của phân bón hữu cơ cần được khắc phục như: cần bón một khối lượng lớn trên một đơn vị diện tích nên bất tiện hơn về vận chuyển và sử dụng so với phân hoá học. Tác động của phân bón hữu cơ cũng không nhanh chóng như phân hoá học và chi phí đầu vào cũng cao hơn so với phân hoá học. Đặc biệt, sau nhiều năm sử dụng phân bón hoá học và thấy trước những tác dụng tức thời đến sinh trưởng, năng suất của cây trồng, nên đa số nông dân đã hình thành thói quen sử dụng và phụ thuộc vào phân bón hóa học.

Hai mô hình cần phát triển

Thực tế trên cho thấy việc phát triển phân bón hữu cơ đang gặp rất nhiều khó khăn, song các chuyên gia vẫn khẳng định đây là xu thế tất yếu và không thể không làm. Nhưng làm thế nào để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ trong sản xuất trồng trọt của Việt Nam? Ông Đoàn cho rằng cần có một chính sách nhất quán để khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón từ những nguồn nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong một đơn vị phân bón để giảm bớt khối lượng, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây trồng, qua đó giảm giá thành và hấp dẫn nông dân sử dụng.

Nhà nước cũng cần làm tốt công tác quản lý về sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón hữu cơ để tránh tình trạng làm ăn gian dối, làm thiệt hại cho nông dân và các DN làm ăn chân chính. Cần tăng cường tuyên truyền, thay đổi hành vi người tiêu dùng trong mua sắm thực phẩm hữu cơ để kích thích người nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. “Giải quyết được những vấn đề này, chiến lược phát triển phân bón hữu cơ tại Việt Nam chắc chắn sẽ thành công” – ông Đoàn khẳng định.

Trong khi đó, ông Thúy cho rằng trong chiến lược phát triển phân bón hữu cơ, Việt Nam cần đi hai chân (hai mô hình). Thứ nhất là, mô hình các tập đoàn, tổng công ty, công ty đang sản xuất phân vô cơ chuyển hướng kế hoạch dài hạn thay thế dần dần NPK vào kế hoạch phát triển hàng năm công nghệ cao sản xuất phân bón hữu cơ. Thứ hai là, mô hình hộ nông dân. Trong đó, Trung ương Hội nông dân Việt Nam sẽ tham gia tích cực chỉ đạo hệ thống tổ chức nông dân, hộ nông dân tự sản xuất phân hữu cơ tại nhà, tiến tới tổ chức tổ hợp hộ gia đình theo mô hình sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống phối hợp.

Theo Nguyễn Hiền/baohaiquan.vn