Phát triển vùng rau hữu cơ: Quá nhiều rào cản

Phát triển vùng rau hữu cơ: Quá nhiều rào cản
Đường giao thông chưa được cứng hóa, thiếu hệ thống điện phục vụ sản xuất, tưới tiêu vẫn phải thực hiện thủ công… là những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của vùng chuyên canh rau hữu cơ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.

Đến khu sản xuất rau hữu cơ tại thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những khó khăn về hạ tầng nơi đây. Chạy xe lòng vòng quanh khu sản xuất rau nhưng mãi không tìm được… lối vào. Khu vực sản xuất được vây kín xung quanh bởi hàng rào tạm bợ, cây dại mọc phủ quanh. Hỏi người dân địa phương, chúng tôi được hướng dẫn đi qua sân vận động của thôn để vào khu sản xuất. Tương tự, lối vào khu vực canh tác rau hữu cơ tại các thôn: Trung, Na, chợ Ga và Bái Thượng cũng chưa được đầu tư. Để vào được những khu sản xuất rau hữu cơ này, người dân phải di chuyển qua những con đường đất, thường xuyên rơi vào tình trạng ngập ngụa bùn đất…

 

 

 

Người dân thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân chăm sóc rau hữu cơ

Không chỉ hạ tầng giao thông, hàng chục hộ trồng rau hữu cơ nơi đây vẫn phải tưới tiêu thủ công. Toàn xã có 5 thôn sản xuất rau hữu cơ, nhưng đến nay vẫn còn thôn Na chưa có đường điện hỗ trợ sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tuyền (thôn Thanh Nhàn), một hộ dân đã tham gia trồng rau hữu cơ từ năm 2009 cho biết, gia đình có 2 sào canh tác rau ăn lá. Thuận theo thời tiết, mỗi tháng trung bình thu được từ 5 - 7 triệu đồng. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất gần như không thể vì thiếu quỹ đất.

Một số nông dân khác lại than phiền vì thủ tục vay vốn để phát triển sản xuất rất khó khăn, do không phải ai cũng có tài sản đủ lớn để thế chấp. Điều duy nhất khiến người trồng rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân tạm hài lòng, đó là việc đến nay sản phẩm làm ra đã được cấp “nhãn hiệu tập thể”. Dù vậy, theo phản ánh của nhiều hộ sản xuất, việc tiêu thụ rau thời gian gần đây khá bấp bênh. Có thời điểm rau làm ra nhiều, nhưng DN không thu mua nên người dân phải mang ra chợ bán cùng với giá tương đương các loại rau thông thường.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Chu Văn Phương, dù được biết tới là một trong những vùng sản xuất rau hữu cơ lớn nhất của Hà Nội, tuy nhiên, sự phát triển của vùng chuyên canh này vẫn chủ yếu theo lối tự phát. “Có DN đã đầu tư cả tỷ đồng cho hạ tầng sản xuất, nhưng khi muốn vay thêm vốn để đầu tư bổ sung thì gặp rất nhiều khó khăn…” - ông Phương cho biết.

Theo lãnh đạo xã Thanh Xuân, địa phương chỉ có thể nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đồng, liên thôn xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Còn hạ tầng cho vùng sản xuất rau hữu cơ thì thuộc... hạng mục đầu tư khác và địa phương không bố trí được ngân sách. Hàng năm, địa phương vẫn triển khai cho bà con vay vốn phát triển sản xuất từ các nguồn quỹ tín dụng, hội nông dân… Tuy nhiên, số lượng vốn được vay rất hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu của các hộ dân.

Để vùng rau hữu cơ xã Thanh Xuân có điều kiện phát triển bền vững, ông Phương kiến nghị các đơn vị chức năng của TP quan tâm, kịp thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ sát sườn, nhất là về vốn đầu tư, mở rộng sản xuất cho các cá nhân, hộ gia đình, DN.
Theo knhtedothi.vn