Quảng Ninh đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia.

Để đưa chương trình OCOP phát triển theo chiều sâu, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Bằng nhiều biện pháp kích cầu, các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh ngày càng vươn xa, được đông đảo người tiêu dùng biết tới.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng chọn mua nhiều mỗi kỳ Hội chợ OCOP.

Để có được kết quả trên, tỉnh đã đề ra các mục tiêu cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm cấp tỉnh, nhóm sản phẩm định hướng cấp quốc gia, nhóm sản phẩm tiềm năng.

Ví dụ như đối với sản phẩm cấp tỉnh, phải được đánh giá, phân hạng hằng năm theo chu trình chuẩn OCOP Quảng Ninh đạt tối thiểu từ 3 sao trở lên. Đồng thời, 100% cơ sở chế biến phải đáp ứng các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến, có hợp đồng hợp tác giữa cơ sở chế biến với sản xuất nguyên liệu theo chuỗi, phấn đấu đến năm 2020, 80% số cơ sở sản xuất theo công nghệ hiện đại. 100% tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm chủ lực phải cam kết sản xuất theo quy định về an toàn thực phẩm và sản phẩm được thiết kế bao bì, đăng ký bản quyền, có ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất, chế biến, lưu thông. 100% sản phẩm có kênh phân phối, đảm bảo các tiêu chuẩn tham gia hội chợ cấp tỉnh, quốc gia, được bán hàng qua hệ thống trực tuyến. Cùng với đó, nhân lực quản lý từ cấp sở, ban, ngành và địa phương tới các doanh nghiệp, HTX được nâng cao trình độ.

Song song với đó, tỉnh chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Công Thương đã tổ chức 3 hội chợ OCOP cấp tỉnh để quảng bá sâu rộng các sản phẩm địa phương. Mới đây nhất, Hội chợ OCOP Hè 2019 đã có hơn 250 gian hàng của trên 300 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước tham gia. Trong đó có 110 gian hàng của 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 123 gian hàng của 38 tỉnh, thành phố trong cả nước và 17 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Iran… Hội chợ thu hút trên 98.000 lượt người tham quan mua sắm, tổng doanh thu trên 15 tỷ đồng.

Đến năm 2020, tất cả các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh được ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu về mẫu mã, bao bì.

Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động, tích cực tổ chức Hội chợ OCOP cấp huyện; thực hiện kết nối, cung cấp thông tin giới thiệu các sản phẩm OCOP Quảng Ninh trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tham gia Hội chợ quốc tế "Mỗi xã, một sản phẩm" 2019 tại TP Hồ Chí Minh, với 100 sản phẩm tiêu biểu của 5 doanh nghiệp OCOP...

Theo thống kê của Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, Ban đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ, đăng ký ý tưởng sản phẩm mới cho 78 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia OCOP, nâng tổng số 402 sản phẩm OCOP, trong đó có 138 sản phẩm đạt từ 3-5 sao (7 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao); thêm 19 đơn vị sản xuất mới tham gia chương trình OCOP, nâng tổng số 148 tổ chức tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP qua các chương trình hội chợ, tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu du lịch, các tỉnh, thành phố trọng điểm trong nước và thị trường các nước trong khu vực có tiềm năng, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hội chợ Asean - Trung Quốc, Hội chợ hàng Việt Nam tại Campuchia, Myanmar... Đồng thời, tập trung thực hiện chủ đề công tác năm 2019 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP” gắn với chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ”.