Rau thủy canh - cuộc chơi của các 'ông lớn'
- Chủ nhật - 09/06/2019 22:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cơ hội xuất khẩu rau thủy canh mở ra cho các doanh nghiệp, trang trại lớn. |
Trồng rau thủy canh nhen nhóm tại Lâm Đồng từ năm 2012 và liên tục phát triển trong thời gian dài. Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, diện tích trồng rau thủy canh trên địa bàn tỉnh có thời điểm lên tới trên 20ha, được trồng chủ yếu tại TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Các loại rau chủ yếu là xà lách như lô lô, rô men, xà lách xoăn, xà lách xoong…
Là một trong những người đầu tiên tại Lâm Đồng trồng thành công rau thủy canh theo công nghệ châu Âu, bà Phạm Thị Thu Cúc (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương) cho rằng, so với trước đây thì rau thủy canh đã không còn hấp dẫn người nông dân. Nhiều hộ chuyển đổi sang cây trồng khác.
Theo bà Cúc, đầu tư trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu đòi hỏi sự đầu tư ban đầu khá tốn kém, không dưới 600 triệu đồng/1.000m2, bao gồm nhà kính, hệ thống dẫn nước, giàn đỡ, giá thể, máy bơm, hạt giống… trong đó có nhiều thiết bị phải nhập từ Thái Lan, Ấn Độ và Malaysia.
Với chi phí đầu tư cao, giá thành SX 1kg rau ăn lá thủy canh gần 25.000 đồng. Thời điểm năm 2015, trang trại bà Cúc bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại xà lách, doanh thu đạt trên 230 triệu đồng/1.000m2 mỗi đợt, lãi trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện giá rau thương phẩm chỉ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, ngang giá thành SX khiến người trồng gặp khó.
Hơn 1 năm qua, vườn rau thủy canh 1.500m2 của anh Nguyễn Quang Anh (phường 10, TP Đà Lạt) đã được chuyển đổi sang trồng dâu tây công nghệ cao. Theo anh Quang, thị trường và giá thành là 2 yếu tố khiến nông hộ như anh phải thay đổi để thích nghi và tồn tại.
"Hiện kênh phân phối rau thủy canh còn khá hạn chế, mới chỉ tiêu thụ chủ yếu ở siêu thị, cửa hàng rau sạch và bán trực tiếp cho người tiêu dùng bằng hình thức giao hàng tận nơi. Trong khi, những nông hộ như tôi rất khó tiếp cận. Khả thi hơn là phương thức liên kết làm vệ tinh SX và cung ứng cho các công ty, nông trại", anh Quang nói.
Anh Tô Quang Dũng, Giám đốc Cty Rau sạch Trường Phúc cho rằng: Trước đây, khi cơn sốt rau thủy canh lan rộng, nhiều nông dân Đà Lạt ồ ạt canh tác từ 500 - 1.000m2. Khi rau đã hạ nhiệt, chính họ là những người gặp khó bởi không liên kết bao tiêu sản phẩm. Mặt khác, làm quy mô nhỏ, giá thành SX sẽ cao.
Khi thị trường rau thủy canh trong nước đang bão hòa thì cơ hội XK rau thủy canh rộng mở cho các công ty, doanh nghiệp, trang trại lớn ở Lâm Đồng.
Theo anh Tô Quang Dũng, mùa đông ở Hàn Quốc kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lạnh giá có thể xuống âm nhiều độ, nhiều vùng bất lợi SX các loại rau xanh. Trong khi thời điểm này ở Đà Lạt và các vùng phụ cận trời dịu mát, ít mưa, thuận lợi để mở rộng diện tích trồng rau nhà kính.
Đầu tư trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu đòi hỏi sự đầu tư ban đầu khá tốn kém. |
Nắm bắt cơ hội cầu vượt cung ở xứ Hàn, Cty Trường Phúc đã chủ động kết nối đối tác, XK các loại rau xà lách thủy canh Đà Lạt. Tháng 3/2018, Cty đã thực hiện chuyến hàng 4.500kg xà lách đầu tiên đến thị trường Hàn Quốc sau gần 10 ngày vận chuyển bằng đường biển.
“Để đi đến ký kết chính thức hợp đồng SX và tiêu thụ các loại xà lách cao cấp, phía Hàn Quốc đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật qua khảo sát trang trại Trường Phúc, lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm rau thử nghiệm đưa về các trung tâm khoa học của Việt Nam và Hàn Quốc để phân tích các tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Sau khi có kết quả an toàn, Trường Phúc mới tiến hành các công đoạn, từ xuống giống đến khi thu hoạch, sơ chế, đóng gói đều được sự giám sát thường xuyên, chặt chẽ của phía đối tác Hàn Quốc...”, anh Dũng cho hay.
Ngoài thị trường Hàn Quốc, thì các đối tác từ Singapore, Nhật Bản cũng đã tiếp xúc, đặt vấn đề thu mua các loại xà lách thủy canh của Công ty Trường Phúc, dự kiến nhiều đơn hàng XK lớn sẽ được triển khai trong thời gian đến.
Theo bà Phạm Thị Thu Cúc, Cty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc, cơ hội XK rau thủy canh ở Lâm Đồng rất sáng sủa. Muốn làm được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi liên kết mới đủ khối lượng hàng cung ứng theo hợp đồng. Mặt khác, công nghệ xử lý sau thu hoạch cũng phải được chú trọng đầu tư.
“Cần đầu tư hệ thống máy lạnh công nghệ mới để hạ nhiệt rau bảo quản sau thu hoạch, nhằm rút ngắn thời gian từ 20 giờ đồng hồ sơ chế trong kho lạnh xuống còn khoảng 2 giờ, từ đó giảm giá thành và tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm các loại rau Đà Lạt trên thị trường quốc tế”, bà Cúc đề nghị. |