Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Vẫn còn đi qua 'khe cửa hẹp'
- Thứ sáu - 13/04/2018 07:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp hữu cơ trở thành xu thế mới
Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Từ chỗ chỉ có 8 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ vào năm 2008, đến nay đã có 33 trên 63 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình này, với 76.000ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đang phát triển…
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cả nước hiện có vài chục cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Quảng Trị, Hòa Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Cà Mau, Lâm Ðồng, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Giang, Trà Vinh…) với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.
Các cây chủ yếu là dừa, chè, lúa và rau. Trong số đó, Bến Tre có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất với hơn 3.000 ha, chủ yếu là dừa. Các mô hình chăn nuôi khá hiệu quả như nuôi cá ba sa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU.
Thời gian qua, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng, tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Ảnh: báo Vĩnh Phúc
Một tín hiệu đáng mừng khác là ngay tại Việt Nam, thị trường nông nghiệp hữu cơ đang phát triển khá mạnh theo xu hướng của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng 02 thành phố lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hãng nghiên cứu và đánh giá Nielsen ước lượng, giá trị của thị trường các sản phẩm hữu cơ tại đây ước đạt 400 tỷ VNĐ/ năm trong vài năm sắp tới. Điều đó cho thấy, thị trường dành cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng và sẽ có sự phát triển mạnh trong các năm tiếp theo.
Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, trăn trở
Ông Hà Phúc Mịch cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp, tổ chức tại nước ta vấp phải khá nhiều khó khăn không những đến từ nội tại mà còn có một số yếu tố khách quan khác. Điển hình như việc tìm kiếm các diện tích đất đủ tiêu chuẩn để làm nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình.
Vì đa số các vùng trồng trọt của nước ta nhiều năm qua đã quá quen với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại hóa chất khác nhau. Từ những nền đất như vậy, không thể chuyển ngay lập tức qua sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà cần phải trải qua một quá trình dài để làm sạch đất, loại bỏ những chất gây hại có trong đất. Quá trình cải tạo đất này kéo dài phải từ 1 năm đến 3 năm, thậm chí là hơn mới có thể đạt yêu cầu.
Ngoài ra, các sản phẩm tự gọi là "hữu cơ" không có chứng nhận tiêu chuẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường, cùng với thói quen và nhận thức của người tiêu dùng còn thấp, nên các sản phẩm hữu cơ từ các nhà sản xuất, cung cấp có uy tín bị ảnh hưởng nặng nề vì khó cạnh tranh được từ giá thành cho đến sản lượng. Bên cạnh đó, do sản xuất các sản phẩm hữu cơ theo Tiêu chuẩn quốc tế rất khắt khe nên dẫn tới việc sản lượng không cao, cung không đủ cầu.
Ở một góc nhìn khác, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hiện nay vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nguồn vốn chưa đủ lớn, trong khi khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi khó khăn. Đây thực sự là rào cản khiến các doanh nghiệp nhỏ và các hộ cá thể còn e dè với hướng đi này.
Nói về giải pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng trong thời gian tới, cần có hệ thống quản lý đồng bộ, lộ trình phát triển phù hợp, cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, khâu chứng nhận đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm thông thường. Do đó, thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất, chứng nhận chất lượng, giám sát các khâu liên quan đến nông nghiệp hữu cơ…
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, Bộ đã hoàn thiện xong dự thảo và trong năm nay, Chính phủ sẽ thông qua Nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giám sát và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Đồng thời Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ để hiện thực hóa chủ trương xây dựng một nền nông nghiệp sạch và bền vững. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam giám sát việc thực hiện các tiêu chí về thế nào là nông nghiệp hữu cơ |