Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Cần sự chủ động của nhà sản xuất
- Chủ nhật - 05/11/2017 03:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khi “nhất trí mỗi người một ý…”
Xét ở góc độ tổng quan, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa sản xuất, thương mại và tiêu dùng theo các yêu cầu: Sản xuất bảo đảm chất lượng, số lượng; Thương mại định hướng, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm; Người tiêu dùng có nhu cầu rõ ràng thông tin hoặc bảo đảm nguồn gốc thực phẩm.
Nhưng trên thực tế, lại tồn tại những mâu thuẫn làm kìm hãm sự phát triển, thậm chí tạo ra những hiện tượng mất niềm tin ở các đối tác. Điều này được thể hiện qua các hiện tượng, thực trạng như: Đối với người làm dịch vụ thương mại, nhà sản xuất thường rơi vào tình trạng “bị ép giá” và nhiều khi không tin tưởng vào các đơn đặt hàng; đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất thường có tâm lý cho rằng người tiêu dùng không hiểu được sự khó khăn, vất vả của mình nên đòi hỏi sản phẩm “rẻ” nhưng “chất lượng cao”. Hai vấn đề trên dẫn đến việc phát triển cầm chừng, thiếu định hướng, thiếu niềm tin sản xuất.
Ngược lại, về phía các nhà phân phối/bán lẻ, đôi khi lại không hoàn toàn đặt niềm tin vào nhà sản xuất. Thậm chí, một số nhà phân phối/bán lẻ trực tiếp đầu tư từ đầu cho nông nghiệp hữu cơ, tự xây dựng thị trường và hệ thống bán lẻ, nhưng họ dễ gặp thất bại bởi suất đầu tư cao, thu hồi vốn chậm và gặp nhiều rủi ro do không chuyên. Có những trường hợp gặp khó khăn trong việc đầu tư hệ thống cửa hàng, nhân sự, quảng cáo, giao vận, bảo quản,v.v khiến giá thành thực phẩm tăng.
Còn với người tiêu dùng, đối tượng này thường không được cung cấp hoặc ít điều kiện tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm, như không tham gia quá trình giám sát sản xuất, bảo quản, vận chuyển. Do đó, người tiêu dùng thường mua hàng bằng niềm tin qua quảng cáo nhiều hơn là những thông tin chủ động. Khi thiếu cơ sở niềm tin, quá trình sử dụng dịch vụ phức tạp, giá thành cao... người tiêu dùng dễ quay trở về với việc tiêu thụ thực phẩm truyền thống nơi họ sinh sống, hoặc gửi gắm vào các nguồn sản xuất nhỏ qua mối quan hệ thân quen.
Nhà sản xuất phải tự nâng mình lên
Những nguyên nhân trên dẫn đến, thị trường tiêu thụ thu hẹp, các nhà thương mại gặp khó khăn về chênh lệch chi phí duy trì hệ thống và sức tiêu thụ, đồng thời tiếp tục ảnh hưởng đến nhà sản xuất. Bất cập đó có thể tháo gỡ thông qua các giải pháp đến từ sự phát huy vai trò và sáng tạo của chính nhà sản xuất. Bởi đầu tiên và trước hết, chính các nhà sản xuất phải chủ động phá vỡ những bất hợp lý đã nêu trên. Có nhiều bước để thực hiện mục tiêu này, như: Giảm thiểu chi phí sản xuất để hạ giá thành mà vẫn có lợi nhuận cao; quy hoạch sản xuất từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn; xây dựng nhóm tiêu dùng cơ bản tương ứng với quy hoạch sản xuất; hợp tác sản xuất thương mại; tăng lợi nhuận với các sản phẩm giá trị gia tăng.
Thực hiện các bước đi này, nhiều mục đích có thể đạt được, như: giảm thiểu đầu tư và rủi ro, mở rộng thị trường; áp dụng các kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất; tính toán được lợi nhuận dựa trên các cơ sở đáng tin cậy; bảo đảm sản xuất an toàn, phát triển truyền thông, chuẩn bị cho tương lai phát triển lợi nhuận từ sản phẩm giá trị gia tăng; thu lợi nhuận từ hợp tác bền vững, quy mô lớn; tăng lợi nhuận mở rộng trong điều kiện hạn chế quỹ đất, cơ sở hạ tầng…
Khi trải qua các bước nêu trên, trung bình khoảng từ ba đến 12 tháng (tùy theo mô hình), các nhà sản xuất có thể cung ứng các sản phẩm giá trị gia tăng và được bảo đảm về uy tín từ hai nhóm: Nhóm tiêu dùng cơ bản và Truyền thông cộng đồng. Một thí dụ, trên cùng một quỹ đất trồng trọt hay chuồng trại chăn nuôi, nhà sản xuất có thể chuyển dịch sang hướng nâng cấp các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời thu hoạch những sản phẩm giá trị cao đã đầu tư trong giai đoạn quy hoạch ban đầu. Có thể hình dung như sau: Rau tươi - trà/nước uống dinh dưỡng; gà, lợn - gà, lợn cao cấp - xúc xích, dăm bông, gà muối, trứng muối; cây ăn quả - quả tươi - mứt, siro - rượu trái cây…
Hơn ai hết, nhà sản xuất cần tích cực và chủ động phát huy vai trò “đầu nguồn”, đầu tiên của mình trong việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững, hạn chế rủi ro và mang lại lợi nhuận tối ưu cho người sản xuất, nhà phân phối/bán lẻ trên cơ sở lợi ích của người tiêu dùng.
Theo Nhandan