Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP

Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP
Qua hơn 1 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được một số kết quả khá nổi bật. Với mục tiêu để Chương trình đảm bảo yêu cầu, bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tăng cường công tác kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP (nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm,…) Tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP

Đoàn công tác Ban chỉ đạo nông thôn mới tỉnh kiểm tra cơ sở tham gia Chương trình OCOP
(HTX thu mua, chế biến thủy hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh, Thị xã Kỳ Anh)
 
Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, ngay từ giai đoạn đầu triển khai Chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 22/1/2019 về việc ban hành Quy chế quản lý sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030; trong tháng 11/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành văn bản số 7748/UBND-NL3 về việc kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
 
Trong đó, các sở, ngành theo lĩnh vực chuyên môn cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên lĩnh vực quản lý, nhất là về kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…;Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện áp dụng các chỉ tiêu, yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo lĩnh vực được giao đến các chủ thể sản xuất; thực hiện nghiêm túc các nội dung theo quy định tại Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 22/1/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, hàng hóa, sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030 và các quy định pháp luật; xây dựng kế hoạch tập huấn, kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng năm…
 
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào đảm bảo bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường... theo đúng quy định của Chương trình và các quy định của pháp luật. 
 
Các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP: Phải thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình, tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và các quy định của pháp luật; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan về sản phẩm; sản phẩm đưa ra tiêu thụ phải có tem truy xuất nguồn gốc. 
 
Văn phòng Điều phối NTM là đầu mối xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình OCOP; theo dõi, tổng hợp, lưu trữ dữ liệu, cấp tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ điều kiện tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm hàng năm), định kỳ theo quý báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
 
Tải Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 22/1/2019 và Văn bản số 7748/UBND-NL3 của Ủy ban nhân dân tỉnh tại đây.
 
 
Minh Tâm