Tem chống hàng giả đối với sản phẩm rau an toàn

Tem chống hàng giả đối với sản phẩm rau an toàn
Mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các HTX sản xuất rau an toàn (RAT) khi cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Vĩnh Phúc: Hỗ trợ tem chống hàng giả đối với sản phẩm rau an toàn

Với mục tiêu hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất rau theo hướng an toàn, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với 6 hợp tác xã (HTX) sản xuất rau trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các HTX sản xuất rau an toàn (RAT) khi cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Toàn tỉnh có trên 120 cơ sở sản xuất RAT, với tổng diện tích canh tác gần 900ha được cấp giấy chứng nhận; trong đó có trên 40 cơ sở sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích trên 500 ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Bình Xuyên.

Để góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất RAT trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có tính cạnh tranh cao khi đưa ra thị trường tiêu thụ, tháng 3/2018, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với 6 HTX sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh (HTX RAT Vân Hội Xanh; HTX RAT ViSa; HTX RAT Đại Lợi; HTX RAT Vĩnh Phúc; HTX sản xuất RAT Thanh Hà; HTX Nông nghiệp An Phước) triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ tem chống hàng giả trên tổng số 6ha canh tác RAT.

Quy trình xác thực chống hàng giả là một sáng chế khoa học hoàn toàn mới, mang tính tiên phong, có tính năng vượt trội về bảo mật và đột phá về công nghệ (kết hợp giữa mã QR, công nghệ in và quản trị hệ thống). Đặc biệt, mỗi con tem có mã QR riêng biệt, được che phủ và tự hủy trên hệ thống sau khi đã được xác nhận trên hệ thống phần mềm kiểm tra mã vạch thông qua các thiết bị công nghệ thông minh như: Điện thoại di động; máy soi, đọc mã vạch...

Đối với các doanh nghiệp nói chung, các cơ sở sản xuất RAT nói riêng thì đây được coi là một giải pháp hữu hiệu hỗ trợ quản trị hàng hóa, sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ chăm sóc khách hàng.

Đồng thời, quy trình xác thực chống hàng giả giúp người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, nhận biết được hàng thật, hàng giả khi mua hàng mà không mất thêm phí khi sử dụng; phương thức sử dụng đơn giản, tiện dụng.

Đây còn là giải pháp an ninh trong logistics và thương mại điện tử, góp phần nâng cao khả năng luân chuyển hàng hóa và dịch vụ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; giúp các cơ quan chức năng phòng ngừa đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Hiện nay, tại các HTX sản xuất RAT đăng ký tham gia mô hình, tem chống hàng giả được sử dụng trên các loại rau, củ, quả như: Cà chua; các loại rau an lá; su su ăn ngọn; mướp; dưa chuột; bí đỏ... Qua theo dõi, đánh giá sơ bộ hiệu quả triển khai mô hình cho thấy, việc sử dụng tem chống hàng giả trên các loại RAT đạt được những kết quả khả quan.

Hiệu quả bước đầu của mô hình hỗ trợ sử dụng tem chống hàng giả do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai góp phần hỗ trợ tích cực cho các cơ sở sản xuất, các HTX RAT tham gia chương trình; tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

1.jpg
Thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả tại HTX rau an toàn Vân Hội Xanh (Tam Dương). Ảnh: Trà Hương

Hải Dương: Bưởi đào Thanh Hồng được giá

Nông dân Thanh Hồng đang bán bưởi đào sớm với giá 15.000 đồng/kg (tương đương từ 18.000-20.000 đồng/quả), cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/quả so với năm trước.

Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Hồng (Thanh Hà), nông dân trong xã đang bán bưởi đào sớm với giá 15.000 đồng/kg (tương đương từ 18.000-20.000 đồng/quả), cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/quả so với năm trước.

Với giá này, nông dân thu lãi hơn 160 triệu đồng/ha. Khoảng đầu tháng 10, nông dân sẽ thu hoạch bưởi chính vụ. Loại bưởi này thường có giá cao hơn từ 4.000-6.000 đồng/kg so với đầu vụ do vị ngon hơn, không bị cay như bưởi sớm.

Năm nay, năng suất bưởi đào của xã Thanh Hồng đạt 12 tấn/ha, giảm 3 tấn/ha so với năm trước do thời tiết không thuận lợi.

9.jpg
Bưởi đào Thanh Hồng đã khẳng định được giá trị của một loại trái cây đặc sản. (Ảnh: N.T.Ánh)

Hưng Yên: Giá lợn ở tiếp tục tăng

Những ngày qua, giá xuất bán lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng mạnh. Chỉ từ đầu tháng 9 đến nay, giá xuất bán lợn thịt thương phẩm ở các trang trại đã tăng từ 50 – 51 nghìn đồng/kg lên 54 nghìn đồng/kg và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng. Giá bán con giống cũng theo giá xuất lợn thịt tăng cao.

Thực tế tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thời điểm này thông tin được quan tâm nhất là giá xuất bán lợn trong ngày. Nếu như trong tháng 8, lợn hơi xuất chuồng có xu hướng giảm giá nhẹ thì đến nay đã tăng nhanh trở lại khiến người chăn nuôi không khỏi thấp thỏm vừa chăn nuôi, vừa nghe ngóng tình hình. Bên cạnh niềm vui của mỗi lứa lợn thịt xuất chuồng giá cao, có lãi, người chăn nuôi lo lắng vì nhiều lẽ.

Giá thu mua là bao nhiêu đều do các thương lái, người chăn nuôi hoàn toàn thụ động. Đây là điểm yếu chung của hoạt động chăn nuôi. Rất ít có mô hình liên kết sản xuất với mức giá được hợp đồng giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất ngay từ khi nhập chuồng. Vì thế mà khi thương lái cạnh tranh nhau thu gom lợn thịt sẽ đẩy giá lên cao, nhưng khi thương lái ép giá, nông dân đành chịu thiệt.

Một mối lo khác của người chăn nuôi lợn hiện nay là giá con giống đầu vào cũng theo giá xuất bán lợn thịt mà tăng cao. Từ 700 – 800 nghìn đồng/con lợn giống, nay giá bán lợn giống đã lên tới 1,2 – 1,5 triệu đồng/con. Một mặt việc này kiềm chế hoạt động tái đàn lợn ồ ạt trên địa bàn tỉnh, song mặt khác lại gây khó khăn cho người gắn bó với chăn nuôi lợn lâu năm, nhất là những hộ chuyên chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Cũng chính vì lẽ đó mà khác với tình hình chăn nuôi mọi năm, khi sang thu là thời điểm nông dân chuẩn bị lứa chăn nuôi lớn phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán, thì năm nay các chuồng trại vẫn chỉ sản xuất cầm chừng và khá yên ắng.

Trong khi người chăn nuôi lo lắng trong sản xuất, người tiêu dùng cũng từ nhiều tháng nay lo lắng về việc sử dụng thực phẩm. Giá thịt lợn loại 1 đang có giá từ 100 – 110 nghìn đồng/kg. Một số loại thịt được ưa chuộng như: Ba chỉ, sườn, thăn giá 120 nghìn đồng/kg. Mức giá này khiến các bà nội trợ không khỏi than thở mỗi khi mua sắm, phải tính đến việc lên lịch cho bữa ăn hàng tuần, lựa chọn một số thực phẩm khác để sử dụng. Ngay cả các tiểu thương kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn tại các chợ cũng “sốt ruột” vì giá cao, hầu hết khẳng định mức giá này khiến việc kinh doanh chậm hơn, khó hơn.

Trước thực trạng này, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi sát thị trường, chăn nuôi theo khả năng của hộ, cơ sở. Đặc biệt lưu ý không tăng đàn lợn tự phát, ồ ạt; phát triển chăn nuôi cân đối theo cơ cấu chung của tỉnh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm tươi sống để vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa giảm sức mua cục bộ khiến giá thịt lợn tăng cao.

10.jpg
Ảnh minh họa.

Hà Nam: Kim Bảng phấn đấu có 516ha sản xuất nông sản sạch

Thực hiện Kế hoạch 1381/KH-UBND của UBND tỉnh về sản xuất nông sản sạch làm vệ tinh, liên kết chuỗi với các cơ sở, doanh nghiệp, huyện Kim Bảng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 516 ha sản xuất nông sản sạch gồm lúa và các loại rau, củ, quả.

Theo lộ trình, năm 2018, Kim Bảng sẽ có 331 ha sản xuất nông sản sạch, năm 2019 diện tích này tăng lên 455 ha. Mục tiêu, mỗi xã, thị trấn trong huyện tối thiểu có 10 ha trồng rau, củ, quả sạch và tích tụ tập trung ruộng đất sản xuất lúa giống, lúa chất lượng.

Đến hết năm 2018, huyện sẽ xây dựng được 8 cửa hàng bán rau, củ, quả sạch theo cụm xã và phấn đấu đến năm 2020 mỗi xã có 1 cửa hàng. Việc mở rộng diện tích sản xuất nông sản sạch góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.

Đây cũng là biện pháp giúp nâng cao nhận thức, ý thức trong sản xuất và sử dụng nông sản an toàn bảo vệ sức khỏe người dân.

111.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nam Định: Xử lý chất thải trong chăn nuôi quy mô trang trại

Khi ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh theo xu hướng trang trại, gia trại, vấn nạn ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân khu vực quanh trang trại, gây khó khăn trong quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Nhằm xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, Dự án nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đang hỗ trợ các trang trại trong tỉnh thực hiện các mô hình khắc phục như: mô hình bể lắng xử lý chất thải, mô hình nhà ủ phân và mô hình máy tách phân ra chất rắn, chất lỏng. Hiện các mô hình đang khẳng định đạt hiệu quả cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Hiện nay đàn lợn của tỉnh có gần 800 nghìn con (không kể lợn sữa), trong đó có khoảng 130 nghìn con lợn nái. Với đàn lợn này hằng ngày cho khối lượng chất thải rất lớn, gần 2.000 tấn. Việc xử lý chất thải để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi lợn luôn là vấn đề hóc búa đối với các hộ chăn nuôi.

Từ trước tới nay, công nghệ làm hầm bioga được xem là giải pháp tốt nhất và được hầu hết các hộ chăn nuôi áp dụng. Tuy nhiên, với các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn việc xử lý khối lượng chất thải bằng hầm bioga gặp nhiều khó khăn bởi chiếm diện tích rất lớn mà hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi không cao. Nước thải sau hồ bioga vẫn còn đậm đặc, không thể tưới cây được, nếu thải ra môi trường gây ô nhiễm. Lượng khí ga sinh ra thừa nhiều so với nhu cầu sử dụng của trang trại nhưng không thể chia sẻ với các hộ dân có nhu cầu vì các trang trại thường ở xa khu dân cư. Do đó, các trang trại thường xuyên phải đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường gây nguy hiểm với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn nhiều lần. Tùy theo quy mô chăn nuôi, việc nhân rộng áp dụng các mô hình nêu trên sẽ là giải pháp toàn diện xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường sinh thái. Đồng thời góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

3.jpg
Mô hình bể lắng 4 ngăn xử lý chất thải chăn nuôi tại trang trại của ông Nguyễn Văn Hải, xóm 4, xã Xuân Đài (Xuân Trường)./.
 Thanh Tâm   (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn